Thứ Ba, 15 tháng 9, 2009

Nước hoa quả nguyên chất & Sinh tố trái cây

Hôm nay, lang thang trong mục Bảo vệ người tiêu dùng của Vietnamnet mới nhận thấy sự thật của loại nước uống bổ dưỡng này. Thế mà mình đã từng mở một cái quán cà phê, sinh tố hoa quả mà không hay biết. Khi đó toàn chọn loại trái cây tươi ngon nhất (Đi kèm là giá cao) để về chế biến cho khách. Đúng là mình không không có khả năng kinh doanh rồi. Ngẫm mà buồn...


Uống 'nước cốt' hoá chất tưởng sinh tố trái cây

Cập nhật lúc 15:50, Thứ Hai, 14/09/2009 (GMT+7)
,
- 20.000-50.000 đồng 1 chai nước cốt "màu nào cũng có, mùi gì cũng sẵn"; các chủ quán giải khát chế biến được cả ngàn ly sinh tố trái cây, nước hoa quả...
Chế sinh tố trái cây từ..."nước cốt"
"Nếu ông nghĩ rằng các quán cà phê họ bán cho ông nước hoa quả nguyên chất "100%" hay cốc sinh tố "xịn" thì nhầm to rồi, không có đâu!" - anh bạn "cựu" chủ quán cà phê ở Hồ Đắc Di thẳng thừng kết luận khi phóng viên VietNamNet thắc mắc: "Cam gần 50.000 đồng/kg. Một kg pha được cùng lắm là 3 cốc nước cam nguyên chất, vậy mà ở quán họ chỉ tính có 20.000 đồng/cốc thì không hiểu lãi ở đâu ra".




Hàng ngày có rất nhiều chủ quán cà phê ở Hà Nội tìm tới phố Hàng Buồm để mua "nước cốt" hoa quả (Ảnh G.Linh)
Thấy tôi vẫn tỏ vẻ "i - tờ", anh bạn chẳng nói chẳng rằng dắt ngay tôi vào quán cà phê T. ở phố Trấn Vũ. Vừa ngồi xuống, anh bạn dõng dạc gọi: "Cho bọn anh 2 cốc cam vắt không đường, không đá nhé!". Nước bưng ra, anh bạn bảo tôi uống thử một ngụm rồi hỏi luôn "Có thấy ngòn ngọt, hơi đắng lưỡi không?", tôi đáp "Có". Anh bạn lại hỏi tiếp: "Thế có thấy vị hăng hăng của tinh dầu vỏ cam và tép cam không?", khi tôi đáp "Không" thì bạn reo lên đắc thắng: "Đấy, thấy chưa, nước cam này họ chế thêm "nước cốt" đấy!".
Rồi bạn kể: "Hồi mới mở quán, tôi cũng đâu có biết cái trò pha thêm "nước cốt" này. Sau nhờ có một người họ hàng cũng mở quán cà phê thì mới biết đường mà lên chợ Đồng Xuân mua nước cốt về để chế thêm vào cốc nước thì mới có lãi đấy. Thậm chí nhiều quán bar cũng mua các loại nước cốt này về để pha chế cốc-tai. Nếu ông không tin, mai cứ lên chợ Đồng Xuân, phố Hàng Buồm mà hỏi, kiểu gì mấy bà bán hàng cũng sẽ hướng dẫn pha chế nhiệt tình".
Màu gì cũng có - Mùi gì cũng sẵn...
Theo lời mách nước của bạn, chiều hôm sau, phóng viên VietNamNet đã có mặt tại phố Hàng Buồm để mục sở thị những chai nước cốt "kỳ diệu" - "đếm giọt ăn tiền". Rảo một vòng từ đầu phố tới cuối phố, phóng viên VietNamNet chọn một cửa hàng có bà chủ chừng 50 tuổi đang gà gật trên chiếc ghế xếp để ghé vào hỏi mua "nước cốt" hoa quả.
Thấy có khách, bà chủ hàng vội nhỏm dậy và đon đả: "Anh cần mua gì?", nghe tôi ngỏ ý muốn mua "Siro hoa quả về để pha nước giải khát, bà chủ với tay lấy ngay một chai nước trên giá xuống rồi hỏi tiếp: "Anh muốn mua loại nào? Cam - Ổi - Dâu tây?".





Khách cần bất cứ loại "nước cốt" hoa quả nào các chủ hàng cũng đáp ứng được (Ảnh G.Linh)
Lật đi lật lại một hồi, nhận thấy chai nước mà bà chủ hàng đưa không giống như những gì anh bạn miêu tả nên tôi hỏi thẳng: "Em muốn mua loại đậm đặc hơn, đựng trong can nhựa ấy". Biết gặp khách "sành", bà chủ nhìn trước ngó sau rồi mới cúi xuống lôi một thùng các-tông đựng 4 - 5 chiếc can nhựa màu trắng ra và bảo: "Loại anh cần đây! 50.000 đồng/ 1 can. Đảm bảo về pha ra cả thùng nước luôn".
Quay trở lại đầu phố Hàng Buồm, phóng viên VietNamNet lại ghé vào một cửa hàng có treo biển "Phụ gia - Hoá thực phẩm" để tìm mua thêm "nước cốt". Chẳng một chút e dè, bà chủ cửa hàng này lấy từ góc nhà ra một chiếc can nhựa màu xanh, bên ngoài có dán mác bằng chữ nước ngoài và bảo: "20.000 đồng/ 1 lạng, thích mùi gì cũng sẵn, màu gì cũng có".
Những chai nước "không quê quán"
Tiếp tục khảo sát tại các sạp bán đồ khô, gia vị thực phẩm quanh phố Cao Thắng và chợ Đồng Xuân, điều dễ nhận thấy là bên cạnh số ít những chai siro hoa quả đã pha chế (đóng trong chai thuỷ tinh) do những nhà sản xuất trong nước sản xuất thì đa phần các loại "nước cốt" hoa quả đang được bày bán đều chỉ có nhãn mác in bằng tiếng nước ngoài, phía dưới mác có dòng chữ tiếng Anh bé tí "Made in Malaysia" hoặc "Made in China".
Khi được hỏi về nguồn gốc của những can "nước cốt" này thì 100% các chủ hàng đều trả lời rằng "Thứ này có người mang đến giao hàng tận nơi. Họ bảo nhập từ nước ngoài về nên chúng tôi cũng biết vậy thôi".





Hầu hết các can "nước cốt" hoa quả đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ nên chính các chủ hàng cũng chẳng dám pha để uống (Ảnh G.Linh)
Tại các cửa hàng, nhan nhản dọc đường Hồng Bàng, trong chợ Kiên Biên, chợ Bà Chiểu…
TP.HCM, hương liệu đóng can hoặc bịch nilon cũng được người bán giới thiệu đủ xuất xứ: Pháp, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam..., nhưng hầu hết không nhãn mác, không có bất cứ thông tin gì về nguồn gốc, các chất có trong sản phẩm. Thông tin duy nhất về sản phẩm là tên hương liệu được chủ cửa hàng ghi bằng... bút mực.

Các can, hộp hương liệu đang được các chợ bán với mức giá chỉ 50.000 - 100.000 đồng/hộp tùy từng loại. Những loại có “dán mác” một chút được chủ cửa hàng giới thiệu hàng ngoại có giá từ 180.000 đến 300.000 đồng/hộp.

Chị Phương Thảo, chủ một cửa hàng cho biết: “Ở đây không thiếu một loại hương liệu nào, có đầy đủ các chủng loại như hương đào, dâu, nho, bưởi, hương tỏi, ớt, hành, thịt gà, trứng... Các sản phẩm có giá tiền khác nhau tùy chất lượng của nơi sản xuất".

Khi được hỏi là những hương liệu pha chế đựng trong can không nhãn mác thì làm thế nào biết cách sử dụng, chị Hương, một chủ cửa hàng khẳng định: “Chỉ cần ước chừng là pha được. Có quá tay cho nhiều hương liệu một chút thì không chết người được mà lo!".



Những can hương liệu không nhãn mác chất đống chờ bán trên hè đường (ảnh chụp tại chợ Kim Biên, TP.HCM)
Để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng, các chủ hàng thường chỉ bày biện trên giá hàng những chai nước "có gốc", còn những can "nước cốt" nhập lậu loại "siêu đậm đặc" thì được giấu kín ở một nơi khác, thậm chí có chủ hàng còn bóc mác và nguỵ trang những can nước này thành đế kê giá hàng.
Chẳng ai thống kê được mỗi ngày một cửa hàng "Phụ gia - Hoá thực phẩm" bán được bao nhiêu chai, bao nhiêu lít nhưng theo lời bà Hoà - người bán hàng ở chợ Đồng Xuân (HN) thì: "Trời càng nóng tôi càng bán được nhiều, toàn nhà hàng đến mua về để pha nước giải khát thôi". Thế nhưng chính bà Hoà cũng phải thừa nhận: "Chả bao giờ tôi pha thứ này ra để uống cả. Ngộ nhỡ...!"...
• Gia Linh - Vũ Hội

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2009

Ấn tượng Tequila

Tặng anh V.Dũng

Lần trước, đã được anh Dũng tặng một bài về Tequila Sunrise. Hôm nay tự mình trải nghiệm về Tequila Pop.

Tối hôm nay, nhân dịp vợ con sang chơi với bà ngoại, tôi tranh thủ lang thang một mình ngoài quán xá. Khi mới đến, không hiểu sao lại nhớ đến bài blog của anh Dũng viết về cốc Tequila Sunrise của mình nên khi nhận được Menu từ tay em tiếp viên, tôi vừa lật vừa hỏi:
- Nhà mình có Tequila không em?
- Có anh ạ.
- Ở chỗ nào nhỉ? (Lật mấy trang Menu mà không thấy).
- (Em tiếp viên lật tiếp mấy trang) Nhà em có nhưng chắc là trong Menu không có.
- Thế à?
- À đây rồi.
Tôi nhìn 1 lượt, không có Tequila Sunrise rồi. Đọc ngay dòng đầu tiên:
- Cho anh Tequila Pop đi.
- Vâng ạ.
5 phút sau:
- Đồ uống của anh đây ạ.
Tôi chần trừ, hết nhìn em rồi lại nhìn "đồ uống": 1/3 cốc rượu, 6 miếng chanh tươi (Gần đủ 1 quả cắt làn 4 miếng như ngoài quán phở, nhưng đây là cắt làm 8), khoảng 1 thìa cà phê đầy muối trắng. Chưa biết nói gì thì em nhân viên đã quay vào. Ngồi nhìn chăm chăm vào đồ uống, không biết làm gì. Cho cốc lên ngửi, đúng là rượu rồi (hình như là rượu Vodka). Lấy tay chầm vào nhúm bột trắng trắng cho lên nếm, đúng là muối rồi, nó mặn mặn, không phải là đường trắng rồi. Ngồi đăm chiêu nhìn sản phẩm mất 10 phút mà không biết làm gì, chắc là bỏ muối vào rượu, vắt chanh là uống thôi. Lúc đó, thấy thấp thoáng bóng em nhân viên lúc nãy;
- Em ơi, anh xin lỗi vì anh không biết cách pha chế, chỉ biết uống thôi, nhờ nhà hàng pha giúp anh.
- Vâng ạ, để em bảo trong kia pha giúp anh. (Sao em ý cười duyên thế nhỉ?)
Lúc đó tôi nghĩ, chắc là ở Hà Nội, các nhà hàng sẽ để cho khách tự pha chế cho phù hợp với khẩu vị của mỗi người, vì lần trước cũng thế mà. Hóa ra nhà hàng chỉ bán nguyên liệu, cong pha chế thì khách tự đi mà làm, nếu cần thì tôi làm giúp cho. Tại sao khi uống ở bên HK, họ lại nhiệt tình pha "giúp" cho mình nhỉ? Họ không sợ rằng họ pha không phù hợp khẩu vị của khách sao? Lại nghĩ, nếu thế này tại sao mình không ở nhà và tự pha chế nhỉ? Ra quán để được phục vụ nhưng phải vừa trả tiền vừa nhờ họ mới làm cho đấy. Mà tại sao Tequila không có đá nhỉ? Mình nhớ là lần nào uống cũng được họ cho đá cơ mà, ...
Đang miên man nghĩ thì thấy em nhân viên lúc nãy (vẫn là em ý) mang đồ uống của mình ra, quan sát thấy 1/2 cốc rượu đã được bỏ thêm vào 2 miếng chanh tươi (Họ vắt chanh giúp mình và để cả vỏ vào, Tequila phải có vỏ chanh là đúng rồi), nhìn kỹ thấy có một chút muối ở đáy cốc (Họ còn giúp mình pha muối nữa), và lần này, có thêm 1 cốc đá được mang ra cùng.
Tôi bắt đầu thấy nghi ngờ về cốc tequila Pop này rồi, Thử nhấp 1 chút xíu, không ổn rồi, thử bỏ 1 viên đá vào, lắc đều và nhấp 1 ngụm nhỏ (Đúng hơn là liếm môi), sao nó khó uống thế. Thêm 1 cục đá nữa, vẫn không ổn. Thêm 1 chút nước vào, càng tệ. Rất nhanh chóng, tôi đổ ngay cốc Tequila Pop kia vào cốc nước lọc, đứng dậy ra trả tiên để về (Phải đổ vào để họ còn tưởng là mình uống hết rồi chứ, không họ lại bảo mình nhà quê, không biết uống cũng đua đòi (:D)). Thế là mất toi 40.000 để được thử một món kinh khủng. Tại sao món Tequila nổi tiếng lại kinh khủng đến thế? Tôi đã từng uống vài lần ở nước ngoài, sao nó ngon và hấp dẫn thế, vậy mà 2 lần thử ở HN thì thật là kinh khủng. Tôi lại mắc căn bệnh sính ngoại rồi.
Về nhà tức tốc nhờ bác giáo sư Google chỉ ra xem Tequila Pop như thế nào:

Tequila Pop bao gồm 1oz Tequila với 1oz 7-Up trong ly shot, đậy ly lại rồi đập mạnh ly xuống mặt bàn. Gas trong 7-Up sủi bọt sau khi đập ly xong nhìn lăn tăn đẹp như sao trên trời.




Tequila Pop có nhiều phiên bản khác nhau, tất cả cùng được gọi là Tequila Slammer. Những phiên bản khác bao gồm 1 phần Tequila với 1 phần thức uống có gas, có thể là 7-Up, Ginger Ale, Lemonade hoặc Mountain Dew. Khi trộn Tequila với Champagne, tên được đổi thành Slammer Royale.

Phiên bản ở nhà bạn là Tequila Silver với Sprite. Trong Sprite có vị chanh hơn 7-Up một chút làm Tequila bớt nồng, thành ra Tequila Pop pha kiểu này thấy thơm thơm.

Với nữa, khi gas trộn với rượu, gas làm giảm vị nồng của Tequila nhiều nên sau khi đập ly xong thì phải uống liền. Vậy cho nên nhà bạn chỉ dùng 10ml Tequila với 10ml Sprite.

Tôi hiểu rồi, vì soda mang nhiều hóa chất nên họ dùng chanh tươi và muối để tốt cho sức khỏe đây mà.
Tại vì tôi không đập nên không uống liền được, khó uống là phải thôi.
Tóm lại là tại vì tôi quê mùa quá nên không biết uống.
Từ lần sau nhất định sẽ không bao giờ uống bất kỳ loại Tequila nào ở Việt Nam nữa để còn giữ những hình ảnh đẹp về Tequila.