Thứ Sáu, 23 tháng 10, 2009

Thiếu một chút nữa để Tuần lễ Vietnam - Korea trở nên hoàn hảo

Trong 02 ngày 21 và 22 tháng 10, tôi có tham dự diễn đàn và hội thảo về hợp tác Phát thanh Truyền hình và Viễn thông, thuộc khuôn khổ Tuần lễ văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam. Vì đây là một sự kiện quan trọng đối với chính phủ Hàn Quốc nên phía HQ đã tổ chức hoành tráng, cẩn thận và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, dưới con mắt của người hay "soi mói", tôi lại nhận thấy một số điều còn thiếu sót. Nếu không có những thiếu sót này thì thực sự là sự kiện trên đã trở nên hoàn hảo trong con mắt của tôi. Rất tiếc, các thiếu sót này đều xuất phát từ phía chủ nhà Việt Nam. Vì chỉ tham dự trong lĩnh vực Phát thanh Truyền hình và Viễn thông nên tôi không đề cập đến những lĩnh vực khác.
Điều đầu tiên đập vào mắt khi bước vào khu triển lãm ở tầng 1 là cảnh hiện đại và chuyên nghiệp của các gian trưng bày của HQ. Nhưng nhìn lên trên một chút là cảnh nhốn nháo, người đi, người đứng kẻ thì ngồi bệt xuống sàn ngay trong khuôn viên tầng 1 và 2 cho dù tầng 2 có rất nhiều ghế ngồi bỏ trống ở hành lang (Chỉ có người Việt mới thế). Trông nó hơi giống cảnh ở chợ lao động tại Giảng Võ, Nguyễn Trãi hay một số nơi khác tại HN. Mà có thể nó là chợ lao động thật vì ngay tại đó cũng có ngày hội việc làm cho các bạn sinh viên, lao động muốn làm việc cho các công ty HQ tại VN. Ngoài ra còn có cảnh chen lấn nhau để được nhận quà tặng và đăng ký tìm việc.
Điều thứ hai đến từ các diễn giả người Việt. Trong khi các diễn giả HQ chuẩn bị slide, tài liệu rất cẩn thận, đóng thành quyển cho người tham dự theo dõi thì cũng trong quyển tài liệu đó, nhiều bài phát biểu của diễn giả người Việt rất sơ sài, thậm chí là bỏ trống và chỉ cung cấp cho BTC khi đến lượt phát biểu.
Điều thứ ba đến từ các nữ phiên dịch người Việt. Trình độ của các phiên dịch viên chưa đủ cho một sự kiện như thế này. Khi dịch từ tiếng Hàn sang tiếng Việt, có nhiều bài mà hầu hết mọi người không hiểu hoặc hiểu không đầy đủ (Nếu không muốn nói là rất ít). Ngoài ra còn nhiều chỗ dịch sai (Điều này thì tôi chắc chắn khi nghe dịch đến vấn đề công nghệ). Hơn nữa, trong khi dịch, các phiên dịch viên còn thở quá to (Nghe, xin lỗi mấy phiên dịch viên, cứ như tiếng trâu thở bên tai). Có thể do căng thẳng quá chăng? Đến mức đang trong bài phát biểu, tất cả đại biểu phải bỏ hết tai nghe ra mặc dù không ai hiểu tiếng HQ (trừ các đại biểu HQ và phiên dịch viên). Có đại biểu đã phải đứng dậy và đề nghị diễn giả phát biểu bằng tiếng Anh cho dù không phải ai cũng nghe được tiếng Anh. Tôi tuy không biết nhiều tiếng Anh nhưng vẫn hiểu được nhiều hơn là nghe tiếng Việt của các phiên dịch viên. Khổ nhất là những ai không nghe được chút ít tiếng Anh nào cũng như tiếng Hàn vì không có phiên dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Đến khi có diễn giả người Hàn không nói được tiếng Anh thì .......... lại đeo tai nghe để nghe tiếng Việt của phiên dịch.
Điều thứ tư đến từ các diễn giả người Việt. Hầu hết các diễn giả người Việt nói tiếng Anh cho dù đại biểu đa phần là người Việt. Chắc họ sợ phiên dịch mà dịch từ tiếng Việt sang tiếng Hàn thì đại biểu HQ lại giống trường hợp của đại biểu người Việt ở trên. Nhưng đến khi có một trường hợp, trong phòng còn duy nhất 1 đại biểu HQ (Không nói được tiếng Anh) và toàn đại biểu người Việt thì diễn giả vẫn nói tiếng Anh (Không được chuẩn cho lắm).
Điều thứ năm và là điều đáng buồn nhất, vẫn đến từ các diễn giả người Việt. Các diễn giả người Việt đến từ các doanh nghiệp khác nhau trong nước và là đối thủ của nhau tại thị trường trong nước. Trước mặt những đối tác HQ, nhiều diễn giả này chỉ tranh thủ PR cho doanh nghiệp mình (Điều này không có gì đáng nói) và cạnh khóe đối thủ của mình (Tuy không chỉ mặt đặt tên nhưng ai cũng hiểu). Trong khi chủ đề của hội nghị và diễn đàn là hiện trạng, chiến lược phát triển và cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp VN và HQ. Không hiểu các đối tác HQ đã nghĩ gì khi nghe những điều này. Các đối tác HQ cũng là đối thủ của nhau nhưng tôi tuyệt nhiên không nghe thấy một câu nào họ cạnh khóe hay nói xấu nhau, cho dù họ đã, đang và sẽ đánh nhau ác liệt trong thương trường.
Điều thứ sáu là việc thiếu vắng các đại diện (Cả diễn giả và đại biểu tham dự) của một số doanh nghiệp lớn tại HN hoạt động trong lĩnh vực này như Viettel, mobifone, Sfone, HanoiTV, hay các công ty media tên tuổi khác, .... (Hy vọng là họ có tham dự nhưng tôi không nhận ra cho dù cố gắng tìm nhưng không thấy).
Ngoài ra còn một vài vấn đề nhỏ nữa nhưng không đáng để nói.
Tuy có một số điểm chưa hài lòng như ở trên nhưng thực sự đây là một cơ hội, một sự kiện rất hữu dụng cho các doanh nghiệp VN hoạt động trong lĩnh vực Phát thanh Truyền hình và Viễn thông. Rất hy vọng có nhiều sự kiện như thế này tại VN.

Thứ Ba, 15 tháng 9, 2009

Nước hoa quả nguyên chất & Sinh tố trái cây

Hôm nay, lang thang trong mục Bảo vệ người tiêu dùng của Vietnamnet mới nhận thấy sự thật của loại nước uống bổ dưỡng này. Thế mà mình đã từng mở một cái quán cà phê, sinh tố hoa quả mà không hay biết. Khi đó toàn chọn loại trái cây tươi ngon nhất (Đi kèm là giá cao) để về chế biến cho khách. Đúng là mình không không có khả năng kinh doanh rồi. Ngẫm mà buồn...


Uống 'nước cốt' hoá chất tưởng sinh tố trái cây

Cập nhật lúc 15:50, Thứ Hai, 14/09/2009 (GMT+7)
,
- 20.000-50.000 đồng 1 chai nước cốt "màu nào cũng có, mùi gì cũng sẵn"; các chủ quán giải khát chế biến được cả ngàn ly sinh tố trái cây, nước hoa quả...
Chế sinh tố trái cây từ..."nước cốt"
"Nếu ông nghĩ rằng các quán cà phê họ bán cho ông nước hoa quả nguyên chất "100%" hay cốc sinh tố "xịn" thì nhầm to rồi, không có đâu!" - anh bạn "cựu" chủ quán cà phê ở Hồ Đắc Di thẳng thừng kết luận khi phóng viên VietNamNet thắc mắc: "Cam gần 50.000 đồng/kg. Một kg pha được cùng lắm là 3 cốc nước cam nguyên chất, vậy mà ở quán họ chỉ tính có 20.000 đồng/cốc thì không hiểu lãi ở đâu ra".




Hàng ngày có rất nhiều chủ quán cà phê ở Hà Nội tìm tới phố Hàng Buồm để mua "nước cốt" hoa quả (Ảnh G.Linh)
Thấy tôi vẫn tỏ vẻ "i - tờ", anh bạn chẳng nói chẳng rằng dắt ngay tôi vào quán cà phê T. ở phố Trấn Vũ. Vừa ngồi xuống, anh bạn dõng dạc gọi: "Cho bọn anh 2 cốc cam vắt không đường, không đá nhé!". Nước bưng ra, anh bạn bảo tôi uống thử một ngụm rồi hỏi luôn "Có thấy ngòn ngọt, hơi đắng lưỡi không?", tôi đáp "Có". Anh bạn lại hỏi tiếp: "Thế có thấy vị hăng hăng của tinh dầu vỏ cam và tép cam không?", khi tôi đáp "Không" thì bạn reo lên đắc thắng: "Đấy, thấy chưa, nước cam này họ chế thêm "nước cốt" đấy!".
Rồi bạn kể: "Hồi mới mở quán, tôi cũng đâu có biết cái trò pha thêm "nước cốt" này. Sau nhờ có một người họ hàng cũng mở quán cà phê thì mới biết đường mà lên chợ Đồng Xuân mua nước cốt về để chế thêm vào cốc nước thì mới có lãi đấy. Thậm chí nhiều quán bar cũng mua các loại nước cốt này về để pha chế cốc-tai. Nếu ông không tin, mai cứ lên chợ Đồng Xuân, phố Hàng Buồm mà hỏi, kiểu gì mấy bà bán hàng cũng sẽ hướng dẫn pha chế nhiệt tình".
Màu gì cũng có - Mùi gì cũng sẵn...
Theo lời mách nước của bạn, chiều hôm sau, phóng viên VietNamNet đã có mặt tại phố Hàng Buồm để mục sở thị những chai nước cốt "kỳ diệu" - "đếm giọt ăn tiền". Rảo một vòng từ đầu phố tới cuối phố, phóng viên VietNamNet chọn một cửa hàng có bà chủ chừng 50 tuổi đang gà gật trên chiếc ghế xếp để ghé vào hỏi mua "nước cốt" hoa quả.
Thấy có khách, bà chủ hàng vội nhỏm dậy và đon đả: "Anh cần mua gì?", nghe tôi ngỏ ý muốn mua "Siro hoa quả về để pha nước giải khát, bà chủ với tay lấy ngay một chai nước trên giá xuống rồi hỏi tiếp: "Anh muốn mua loại nào? Cam - Ổi - Dâu tây?".





Khách cần bất cứ loại "nước cốt" hoa quả nào các chủ hàng cũng đáp ứng được (Ảnh G.Linh)
Lật đi lật lại một hồi, nhận thấy chai nước mà bà chủ hàng đưa không giống như những gì anh bạn miêu tả nên tôi hỏi thẳng: "Em muốn mua loại đậm đặc hơn, đựng trong can nhựa ấy". Biết gặp khách "sành", bà chủ nhìn trước ngó sau rồi mới cúi xuống lôi một thùng các-tông đựng 4 - 5 chiếc can nhựa màu trắng ra và bảo: "Loại anh cần đây! 50.000 đồng/ 1 can. Đảm bảo về pha ra cả thùng nước luôn".
Quay trở lại đầu phố Hàng Buồm, phóng viên VietNamNet lại ghé vào một cửa hàng có treo biển "Phụ gia - Hoá thực phẩm" để tìm mua thêm "nước cốt". Chẳng một chút e dè, bà chủ cửa hàng này lấy từ góc nhà ra một chiếc can nhựa màu xanh, bên ngoài có dán mác bằng chữ nước ngoài và bảo: "20.000 đồng/ 1 lạng, thích mùi gì cũng sẵn, màu gì cũng có".
Những chai nước "không quê quán"
Tiếp tục khảo sát tại các sạp bán đồ khô, gia vị thực phẩm quanh phố Cao Thắng và chợ Đồng Xuân, điều dễ nhận thấy là bên cạnh số ít những chai siro hoa quả đã pha chế (đóng trong chai thuỷ tinh) do những nhà sản xuất trong nước sản xuất thì đa phần các loại "nước cốt" hoa quả đang được bày bán đều chỉ có nhãn mác in bằng tiếng nước ngoài, phía dưới mác có dòng chữ tiếng Anh bé tí "Made in Malaysia" hoặc "Made in China".
Khi được hỏi về nguồn gốc của những can "nước cốt" này thì 100% các chủ hàng đều trả lời rằng "Thứ này có người mang đến giao hàng tận nơi. Họ bảo nhập từ nước ngoài về nên chúng tôi cũng biết vậy thôi".





Hầu hết các can "nước cốt" hoa quả đều không rõ nguồn gốc, xuất xứ nên chính các chủ hàng cũng chẳng dám pha để uống (Ảnh G.Linh)
Tại các cửa hàng, nhan nhản dọc đường Hồng Bàng, trong chợ Kiên Biên, chợ Bà Chiểu…
TP.HCM, hương liệu đóng can hoặc bịch nilon cũng được người bán giới thiệu đủ xuất xứ: Pháp, Malaysia, Indonesia, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam..., nhưng hầu hết không nhãn mác, không có bất cứ thông tin gì về nguồn gốc, các chất có trong sản phẩm. Thông tin duy nhất về sản phẩm là tên hương liệu được chủ cửa hàng ghi bằng... bút mực.

Các can, hộp hương liệu đang được các chợ bán với mức giá chỉ 50.000 - 100.000 đồng/hộp tùy từng loại. Những loại có “dán mác” một chút được chủ cửa hàng giới thiệu hàng ngoại có giá từ 180.000 đến 300.000 đồng/hộp.

Chị Phương Thảo, chủ một cửa hàng cho biết: “Ở đây không thiếu một loại hương liệu nào, có đầy đủ các chủng loại như hương đào, dâu, nho, bưởi, hương tỏi, ớt, hành, thịt gà, trứng... Các sản phẩm có giá tiền khác nhau tùy chất lượng của nơi sản xuất".

Khi được hỏi là những hương liệu pha chế đựng trong can không nhãn mác thì làm thế nào biết cách sử dụng, chị Hương, một chủ cửa hàng khẳng định: “Chỉ cần ước chừng là pha được. Có quá tay cho nhiều hương liệu một chút thì không chết người được mà lo!".



Những can hương liệu không nhãn mác chất đống chờ bán trên hè đường (ảnh chụp tại chợ Kim Biên, TP.HCM)
Để tránh sự kiểm tra của các cơ quan chức năng, các chủ hàng thường chỉ bày biện trên giá hàng những chai nước "có gốc", còn những can "nước cốt" nhập lậu loại "siêu đậm đặc" thì được giấu kín ở một nơi khác, thậm chí có chủ hàng còn bóc mác và nguỵ trang những can nước này thành đế kê giá hàng.
Chẳng ai thống kê được mỗi ngày một cửa hàng "Phụ gia - Hoá thực phẩm" bán được bao nhiêu chai, bao nhiêu lít nhưng theo lời bà Hoà - người bán hàng ở chợ Đồng Xuân (HN) thì: "Trời càng nóng tôi càng bán được nhiều, toàn nhà hàng đến mua về để pha nước giải khát thôi". Thế nhưng chính bà Hoà cũng phải thừa nhận: "Chả bao giờ tôi pha thứ này ra để uống cả. Ngộ nhỡ...!"...
• Gia Linh - Vũ Hội

Thứ Bảy, 12 tháng 9, 2009

Ấn tượng Tequila

Tặng anh V.Dũng

Lần trước, đã được anh Dũng tặng một bài về Tequila Sunrise. Hôm nay tự mình trải nghiệm về Tequila Pop.

Tối hôm nay, nhân dịp vợ con sang chơi với bà ngoại, tôi tranh thủ lang thang một mình ngoài quán xá. Khi mới đến, không hiểu sao lại nhớ đến bài blog của anh Dũng viết về cốc Tequila Sunrise của mình nên khi nhận được Menu từ tay em tiếp viên, tôi vừa lật vừa hỏi:
- Nhà mình có Tequila không em?
- Có anh ạ.
- Ở chỗ nào nhỉ? (Lật mấy trang Menu mà không thấy).
- (Em tiếp viên lật tiếp mấy trang) Nhà em có nhưng chắc là trong Menu không có.
- Thế à?
- À đây rồi.
Tôi nhìn 1 lượt, không có Tequila Sunrise rồi. Đọc ngay dòng đầu tiên:
- Cho anh Tequila Pop đi.
- Vâng ạ.
5 phút sau:
- Đồ uống của anh đây ạ.
Tôi chần trừ, hết nhìn em rồi lại nhìn "đồ uống": 1/3 cốc rượu, 6 miếng chanh tươi (Gần đủ 1 quả cắt làn 4 miếng như ngoài quán phở, nhưng đây là cắt làm 8), khoảng 1 thìa cà phê đầy muối trắng. Chưa biết nói gì thì em nhân viên đã quay vào. Ngồi nhìn chăm chăm vào đồ uống, không biết làm gì. Cho cốc lên ngửi, đúng là rượu rồi (hình như là rượu Vodka). Lấy tay chầm vào nhúm bột trắng trắng cho lên nếm, đúng là muối rồi, nó mặn mặn, không phải là đường trắng rồi. Ngồi đăm chiêu nhìn sản phẩm mất 10 phút mà không biết làm gì, chắc là bỏ muối vào rượu, vắt chanh là uống thôi. Lúc đó, thấy thấp thoáng bóng em nhân viên lúc nãy;
- Em ơi, anh xin lỗi vì anh không biết cách pha chế, chỉ biết uống thôi, nhờ nhà hàng pha giúp anh.
- Vâng ạ, để em bảo trong kia pha giúp anh. (Sao em ý cười duyên thế nhỉ?)
Lúc đó tôi nghĩ, chắc là ở Hà Nội, các nhà hàng sẽ để cho khách tự pha chế cho phù hợp với khẩu vị của mỗi người, vì lần trước cũng thế mà. Hóa ra nhà hàng chỉ bán nguyên liệu, cong pha chế thì khách tự đi mà làm, nếu cần thì tôi làm giúp cho. Tại sao khi uống ở bên HK, họ lại nhiệt tình pha "giúp" cho mình nhỉ? Họ không sợ rằng họ pha không phù hợp khẩu vị của khách sao? Lại nghĩ, nếu thế này tại sao mình không ở nhà và tự pha chế nhỉ? Ra quán để được phục vụ nhưng phải vừa trả tiền vừa nhờ họ mới làm cho đấy. Mà tại sao Tequila không có đá nhỉ? Mình nhớ là lần nào uống cũng được họ cho đá cơ mà, ...
Đang miên man nghĩ thì thấy em nhân viên lúc nãy (vẫn là em ý) mang đồ uống của mình ra, quan sát thấy 1/2 cốc rượu đã được bỏ thêm vào 2 miếng chanh tươi (Họ vắt chanh giúp mình và để cả vỏ vào, Tequila phải có vỏ chanh là đúng rồi), nhìn kỹ thấy có một chút muối ở đáy cốc (Họ còn giúp mình pha muối nữa), và lần này, có thêm 1 cốc đá được mang ra cùng.
Tôi bắt đầu thấy nghi ngờ về cốc tequila Pop này rồi, Thử nhấp 1 chút xíu, không ổn rồi, thử bỏ 1 viên đá vào, lắc đều và nhấp 1 ngụm nhỏ (Đúng hơn là liếm môi), sao nó khó uống thế. Thêm 1 cục đá nữa, vẫn không ổn. Thêm 1 chút nước vào, càng tệ. Rất nhanh chóng, tôi đổ ngay cốc Tequila Pop kia vào cốc nước lọc, đứng dậy ra trả tiên để về (Phải đổ vào để họ còn tưởng là mình uống hết rồi chứ, không họ lại bảo mình nhà quê, không biết uống cũng đua đòi (:D)). Thế là mất toi 40.000 để được thử một món kinh khủng. Tại sao món Tequila nổi tiếng lại kinh khủng đến thế? Tôi đã từng uống vài lần ở nước ngoài, sao nó ngon và hấp dẫn thế, vậy mà 2 lần thử ở HN thì thật là kinh khủng. Tôi lại mắc căn bệnh sính ngoại rồi.
Về nhà tức tốc nhờ bác giáo sư Google chỉ ra xem Tequila Pop như thế nào:

Tequila Pop bao gồm 1oz Tequila với 1oz 7-Up trong ly shot, đậy ly lại rồi đập mạnh ly xuống mặt bàn. Gas trong 7-Up sủi bọt sau khi đập ly xong nhìn lăn tăn đẹp như sao trên trời.




Tequila Pop có nhiều phiên bản khác nhau, tất cả cùng được gọi là Tequila Slammer. Những phiên bản khác bao gồm 1 phần Tequila với 1 phần thức uống có gas, có thể là 7-Up, Ginger Ale, Lemonade hoặc Mountain Dew. Khi trộn Tequila với Champagne, tên được đổi thành Slammer Royale.

Phiên bản ở nhà bạn là Tequila Silver với Sprite. Trong Sprite có vị chanh hơn 7-Up một chút làm Tequila bớt nồng, thành ra Tequila Pop pha kiểu này thấy thơm thơm.

Với nữa, khi gas trộn với rượu, gas làm giảm vị nồng của Tequila nhiều nên sau khi đập ly xong thì phải uống liền. Vậy cho nên nhà bạn chỉ dùng 10ml Tequila với 10ml Sprite.

Tôi hiểu rồi, vì soda mang nhiều hóa chất nên họ dùng chanh tươi và muối để tốt cho sức khỏe đây mà.
Tại vì tôi không đập nên không uống liền được, khó uống là phải thôi.
Tóm lại là tại vì tôi quê mùa quá nên không biết uống.
Từ lần sau nhất định sẽ không bao giờ uống bất kỳ loại Tequila nào ở Việt Nam nữa để còn giữ những hình ảnh đẹp về Tequila.

Thứ Bảy, 27 tháng 6, 2009

Cái CMND

Cái Chứng minh.
Đã rất nhiều lần sử dụng nhưng cho đến hôm nay, tôi mới nhận ra được tầm quan trọng của cái gọi là Giấy Chứng minh nhân dân.
- Lần đầu tiên cầm trên tay cái CMT, tôi nghĩ rằng mình đã là người lớn, hay ít ra cũng được mọi người công nhận là người lớn. Vì chỉ người lớn mới có CMT chứ trẻ con làm gì có. Khi đó tôi 16 tuổi, làm CMT để chuẩn bị thi tốt nghiệp PTTH.
- Lần đầu sử dụng CMT chính là lần thi tốt nghiệp PTTH, tôi băn khoăn tự hỏi: Cái mảnh giấy nhỏ xíu hình chữ nhật này dùng để làm gì trong khi tôi đã có thẻ học sinh, giấy báo thi, và có tên trong danh sách thi? Mà sao nó quan trọng đến mức họ phải ép plastic cẩn thận thế nhỉ?
- Lần ấn tượng nhất khi dùng CMT: Là lần đầu tiên được đi máy bay. Không có CMT thì không thể đi được (Ngày đó chẳng biết đến cái được gọi là Hộ chiếu). Lúc đó thấy CMT thật quan trọng, nếu không có nó thì mình đã không được đi máy bay rồi. Sau này, khi đã có hộ chiếu thì nhận ra rằng, chẳng cần có CMT vẫn được đi máy bay. Mà cái hộ chiếu còn có thể dùng để đi ra nước ngoài chứ CMT mà đi ra nước ngoài thì chẳng dùng để làm gì => CMT không quan trọng, Hộ chiếu mới là quan trọng. Hộ chiếu bản thân nó đã bao gồm CMND ở trong đó rồi.
- Lần ngạc nhiên nhất khi sử dụng CMT: Đến 01 chung cư cao tầng tại khu Yên Hòa – Contrexim. Tại sao đến 01 chung cư cao tầng cho mọi người ở lại phải đặt CMT ở bảo vệ giữ? Trông mình gian lắm sao? Chắc chắn là không. Hay ở đây toàn VIP ở nên phải căn phòng cẩn mật? Chắc chắn cũng không vì toàn VIP thì chắc không có những anh bảo vệ trông như mấy bác nông dân vừa đi cày về, quần sắn ống thấp, ống cao, quần áo không được gọn gàng và sạch sẽ cho lắm, xung quanh thì toàn bụi bặm và bẩn thỉu. Có lẽ chính vì cái sự không ngờ đó mà khi về tôi đã đi thang máy xuống luôn tầng hầm lấy xe và HÌNH NHƯ tôi đã bỏ quên CMT ở đó, mấy tháng sau mới nhớ ra và quay lại thì không còn ai biết đến cái CMT đó nữa rồi.
- Lần gần nhất khiến tôi lại phải nhớ đến cái CMT: Mới đây thôi, nhận được thông báo làm lại hồ sơ đăng ký mở tài khoản và làm thẻ ATM. Phải có tài khoản thì mới có lương, mà có lương lại là điều đang mong mỏi bấy lâu nay. Trong hồ sơ đăng ký mở tài khoản có phần khi số CMND hoặc Hộ chiếu. Đấy cái CMND có cần dùng đâu khi tôi đã có Hộ chiếu rồi. Nhưng vài hôm sau nhận được thông tin là Ngân hàng yêu cầu phải có CMT, Hộ chiếu không được. Tôi không thể hiểu, tại sao không được dùng Hộ chiếu để khai vào hồ sơ nhỉ? Cái Hộ chiếu nó “to” hơn CMT cơ mà. Không được dùng Hộ chiếu mà tại sao ông Ngân hàng lại bảo khai số CMND hoặc Hộ chiếu nhỉ? Những thắc mặc đó được giải thích đơn giản là quy định của Ngân hàng nó thế. Quy định thế thì tại sao hồ sơ đăng ký không chỉ ghi rõ chữ “số CMND” thôi, lại còn thòng thêm chữ “hoặc Hộ chiếu” vào để làm gì?
Kiểu này chắc là mình lại không có lương rồi, giờ mà đi làm lại CMT phải mất gần 1 tháng (Theo đúng quy định). “Lo gì em ơi, dúi cho bọn nó ít tiền là mấy hôm sau có CMT ngay ý mà”. Tại sao mình phải đi đút lót ít tiền để giải quyết việc sai của người khác nhỉ? Chắc chỉ sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật mới trả lời được những câu hỏi đại loại như thế này.
Bây giờ thì tôi đã thay đổi suy nghĩ của mình rằng, cái CMT nó quan trọng lắm. Nó là cái để “chứng minh” tôi là một trong số “nhân dân” của đất nước này đấy. Không có nó, tôi sẽ không thể là một công dân Việt Nam. Vì thế, tôi cần phải đi làm lại cái CMND ngay ngày mai thôi.

Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2009

10 lý do đề nghị tạm dừng dự án bô xít Tây Nguyên 13/01/2009

Dạo này thích đọc Tuanvietnam.net. Tranh thủ post lại lên đây.


10 lý do đề nghị tạm dừng dự án bô xít Tây Nguyên 13/01/2009 TuanVietNam)- Cũng như dự án thép ở Vân Phong, chúng ta xin hãy tiếp tục nói “không” với các dự án bô-xít trên Tây Nguyên mang tính hủy diệt môi trường và không hiệu quả về mọi mặt. - Kiến nghị của các nhà khoa học Việt Nam.

Để đảm bảo tính thông tin đa chiều, Tuần Việt Nam giới thiệu thư của một nhóm các nhà khoa học gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước kiến nghị tạm dừng triển khai các dự án bô xít Tây Nguyên như một tư liệu tham khảo.

Tháng 12/2007 và tháng 10/2008, UBND tỉnh Đắk Nông, Tập đoàn Công nghiệp than-khoáng sản Việt Nam (TKV) cùng Viện Tư vấn phát triển đã tổ chức hai cuộc hội thảo đánh giá về những dự án bô-xít của Tập đoàn TKV đang triển khai trên Tây Nguyên với sự tham gia của: đại diện tỉnh Đắk Nông, chủ đầu tư-TKV, các nhà quản lý, các nhà khoa học thuộc những vực có liên quan (kinh tế, công nghệ, kỹ thuật, địa chất, môi trường, xã hội v.v.).
Qua hai cuộc hội thảo, có thể tóm tắt hai ý kiến nhận xét đánh giá chủ yếu về khai thác bô-xít trên Tây Nguyên được rút ra như sau:
(1) Trên quan điểm vĩ mô và về mặt chiến lược, tuyệt đại đa số các nhà khoa học đã thống nhất đánh giá các dự án bô - xít đang được triển khai là: không có hiệu quả về mặt kinh tế-tài chính; rất không hiệu quả về mặt kinh tế-xã hội; với trình độ tiếp cận lạc hậu của chủ đầu tư cũng như của các đối tác Trung Quốc về các giải pháp công nghệ kỹ thuật, các dự án bô-xít đang được tích cực triển khai sẽ phá hủy môi trường tại chỗ (của Tây Nguyên), sẽ gây ra những thảm họa về sinh thái trên diện rộng (cho các tỉnh Nam Trung Bộ của VN và các tỉnh của Campuchia); đang tạo ra thêm các yếu tố bất ổn định về an ninh trật tự xã hội trên Tây Nguyên.
(2) Ở tầm vi mô và mang tính chất cục bộ, ý kiến của TKV- chủ đầu tư đã tự đánh giá về các dự án bô - xít đang được triển khai là: kinh tế Tây Nguyên kém phát triển, vì vậy cần tận dụng khai thác nguồn tài nguyên bô - xít có hạn để tranh thủ xuất khẩu cho Trung Quốc nhằm bổ sung nguồn thu ngân sách cho địa phương và cho chủ đầu tư.
Ngoài ra, qua hai lần hội thảo, đã là sáng tỏ một số vấn đề:
- Mặc dù trong các văn bản của TKV thường dùng khái niệm “alumin”, hay “công nghiệp bô xít-nhôm” (ngay cả nhà nghỉ của TKV cũng mang tên “Alumin”) nhưng trên thực tế, chỉ có các dự án khai thác bô - xít, và chế biến bô - xít thành nguyên liệu thô (có tên gọi bằng tiếng Anh là alimina, hoặc bằng tiếng Pháp là alimine) để xuất khẩu cho Trung Quốc. Hoàn toàn không có dự án nhôm (aluminium) nào đang được triển khai. Việc lạm dụng từ “alumin” không tồn tại trên thực tế của TKV trong điều kiện hạn chế về trình độ văn hóa cũng như ngoại ngữ của đồng bào dân tộc ít người dễ dẫn đến hiểu nhầm là “nhôm”.
- Theo báo cáo của Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Đắk Nông: “Trong vùng quy hoạch khai thác bô - xít diện tích đất nông nghiệp, nhất là diện tích trồng cây hàng năm và cây lâu năm chiếm một tỷ lệ tương đối lớn. Hầu hết nhân dân sống trong vùng quy hoạch mỏ có nguồn thu nhập chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp. Việc khai thác quặng bô - xít sẽ làm ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sinh hoạt của toàn bộ các hộ dân trong vùng quy hoạch”.
- Theo báo cáo của TKV tại Hội thảo phân tích về thế mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức (SWOT) mang tính chiến lược của các dự án bô - xít là: “Sử dụng nhiều đất đai; tiêu thụ năng lượng điện lớn; tác động lớn về môi trường và xã hội; cơ sở hạ tầng không đảm bảo; Rủi ro chính trị xã hội cao; Thay đổi mối quan hệ tài nguyên với phát triển kinh tế và phong tục địa phương; Chi phí bảo vệ môi trường cao; v.v.”
Thực tế là qua hai lần hội thảo, chúng ta đã có thể rút ra từ các nhận xét đánh giá trên là: Chủ đầu tư - TKV là một tập đoàn của Nhà nước, có am hiểu về công nghệ kỹ thuật, có ý thức chính trị xã hội, luôn đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi nhuận của doanh nghiệp nên chấm dứt vô điều kiện càng sớm càng tốt việc triển khai các dự án bô - xít trên Tây Nguyên.
Để làm sáng tỏ hơn về những đánh giá và kết luận trên, chúng tôi xin được bổ sung và làm rõ 10 lý do không nên triển khai các dự án bô - xít như sau:
1/ Triển khai các dự án bô - xít là không cần thiết
Ba câu hỏi về chức năng cơ bản của nền kinh tế vĩ mô: sản xuất ra hàng hóa gì? sản xuất ra như thế nào? và để phục vụ cho các đối tượng nào trong xã hội? Nhiệm vụ chủ yếu mà bất kỳ nền kinh tế nào cũng cần giải quyết là giảm đến mức tối thiểu sự lãng phí trong việc sản xuất ra những sản phẩm không cần thiết và tăng cường đến mức tối đa việc sản xuất ra những sản phẩm cần thiết.
Trước hết, nhu cầu về nhôm kim loại của VN không lớn, theo số liệu của Bộ Công Thương, hiện nay và trong tương lai hàng năm VN chỉ nhập khẩu khoảng 100-150 nghìn tấn (tương đương với 2 chuyến tàu). Trên thị trường thế giới, nhôm kim loại luôn là mặt hàng thường xuyên có sẵn, chưa bao giờ xẩy ra khan hiếm. Về mặt kỹ thuật, nhôm chỉ được coi là “kim loại cơ bản”, không thuộc nhóm “kim loại quý hiếm” vì có thể được thay thế bằng các sản phẩm khác như sắt, gỗ, nhựa, giấy. Ngành công nghiệp nhôm chỉ tồn tại ở một số ít nước trên thế giới, chủ yếu là ở những nước có dư thừa điện năng giá rẻ.
Vì vậy, trong hoàn cảnh đang có nguy cơ rất hiện hữu về thiếu điện cho các ngành sản xuất khác, việc sản xuất nhôm kim loại là một định hướng sai lầm của VN. Alumina là nguyên liệu thô để luyện thành nhôm kim loại, và bô - xít là quặng đầu vào để tuyển thành alumina. Việc khai thác bô - xít, tuyển thành nguyên liệu thô alumina chỉ phục vụ cho mục đích xuất khẩu lại càng là một định hướng sai lầm.
Thứ hai, phát triển một ngành sản xuất tiêu tốn nhiều nước ngay trên một địa bàn còn đang khát nước là một lựa chọn không thông minh. Theo báo cáo của chủ đầu tư, chương trình bô - xít trên Tây Nguyên chủ yếu tập trung vào khai thác quặng bô - xít để chế biến thành nguyên liệu thô là alumina để xuất khẩu trong điều kiện phải sử dụng nguồn nước ngọt, vốn còn đang rất khan hiếm, đang ngày càng cạn kiệt, nhưng rất cần cho việc phát triển các cây công nghiệp khác có giá trị xuất khẩu rất cao (như cà phê, chè, cao su). Công nghiệp khai thác, tuyển-luyện bô - xít thành alumina có 3 ảnh hưởng rất tiêu cực đến nguồn nước: vừa tiêu hao rất nhiều nước (cần khoảng 60 mét khối nước cho 1 tấn), vừa làm ô nhiễm nguồn nước và vừa làm cạn kiệt nguồn nước tự nhiên.
Tất cả các dự án bô - xít đều nằm trong khu vực thượng nguồn lưu vực của sông Đồng Nai và Sêrêpốc. Việc khai thác bô - xít sẽ dẫn đến hậu quả không tránh khỏi là làm cạn kiệt nguồn nước của các con sông này. Trong đó, sông Đồng Nai đang đóng vai trò rất quan trọng trong việc ổn định kinh tế xã hội của các khu dân cư lớn đồng thời cũng là các khu công nghiệp lớn như TP. Hồ Chí Minh, Biên Hòa, Bình Dương.
Nước ngọt là nguồn lực phát triển các cây công nghiệp quan trọng, còn đang thiếu đối với Tây Nguyên. Sử dụng nguồn tài nguyên nước ngọt có hạn đó để phát triển cao su, cà phê hay chè, chúng ta có thể dần dần lấy lại màu xanh cho Tây Nguyên.
Tài nguyên nước ở Tây Nguyên là vô cùng quý giá và đặc biệt, tài nguyên nước trong mùa khô là sự sống còn của nền kinh tế Tây Nguyên. Trong mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 2) tổng lượng mưa ở Đắk Nông bình quân chỉ đạt 35mm, trong khi mực nước ngầm ngày càng hạ thấp đang là một thách thức rất lớn đối với phát triển kinh tế nói chung và đối với cây công nghiệp nói riêng (đặc biệt là cây cà phê).
2/ Triển khai các dự án bô - xít không làm tăng ngân sách địa phương
Vì mục tiêu của TKV hiện nay là khai thác và chế biến bô - xít thành nguyên liệu thô để xuất khẩu, nên các dự án bô - xít không dẫn đến việc lan toả phát triển các dự án đầu tư có hiệu quả khác. Việc tăng thu ngân sách địa phương trên Tây Nguyên sẽ rất khiêm tốn. Các khoản nộp cho địa phương là thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, hay kể cả cái gọi là “thương quyền” của dự án khai thác bô - xít là không đáng kể, và không đủ bù số tiền ngân sách các tỉnh sẽ phải chi ra để khắc phục suy thoái môi trường do khai thác bô - xít.
Gần đây, ông Đặng Đức Yến- Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định (trên mục Kinh tế-Xã hội một số báo gần đây) rằng “nếu dự án alumin này vào, tính từ các khoản thuế, phí bảo vệ môi trường… sẽ đóng góp cho tỉnh khoảng 1.600 tỷ đồng và đến năm 2011 thì có thể đạt hơn 2.000 tỷ đồng”. Chúng tôi cho rằng, nhận định như vậy là thiếu trách nhiệm và quá lạc quan vì con số nêu trên là không đúng sự thật. Cả ngành công nghiệp than của VN sau 120 năm phát triển, xuất khẩu trên 20 triệu tấn than/năm, hiện nay cũng chỉ có lợi nhuận trước thuế khoảng 3000 tỷ đ/năm, mức nộp cho ngân sách nhà nước còn ít hơn nhiều so với con số dự tính nộp cho Đắk Nông nêu trên của các dự án bô - xít!
Bản thân dự án Nhân Cơ (theo tính toán ban đầu của chủ đầu tư), với số vốn đầu tư 2938,8 tỷ đồng, mức thuế nộp ngân sách chỉ khoảng 30,2 tỷ đồng. Số liệu này đến nay cũng không đáng tin cậy, vì 3 lý do:
(i) đến nay con số này sẽ còn giảm vì tổng mức đầu tư chỉ sau 1 năm đã tăng lên trên 3200 tỷ (tổng mức đầu tư thực tế sau này chắc chắn sẽ tăng cao hơn nữa);
(ii) giá thành sản phẩm của dự án chưa được xác định (bản thân Giám đốc Công ty Nhân Cơ cũng đã không thể trả lời được câu hỏi giá thành sản xuất và giá xuất khẩu nguyên liệu thô alumina là bao nhiêu?);
(iii) hiện nay giá bán nguyên liệu thô alumina trên thế giới đang giảm mạnh. Ngay cả Trung Quốc cũng đã phải đóng cửa các dự án alumina ở tỉnh Sơn Đông vì không có hiệu quả.
3/ Triển khai các dự án bô - xít không có hiệu quả
Như trên đã phân tích, hầu như toàn bộ nguyên liệu thô alumina chỉ để xuất khẩu với quy mô lớn sẽ dẫn đến sự phục thuộc vào thị trường thế giới. Khách hàng mua nguyên liệu alumina của VN chỉ duy nhất là Trung Quốc. Nguồn cung cấp alumina trên thế giới rất phong phú (kể cả alumina được chế biến từ các loại quặng không phải bô - xít). Qui mô phát triển bô - xít của VN càng lớn, thì giá bán càng giảm, hiệu quả kinh tế càng thấp và sự phụ thuộc vào Trung Quốc càng cao.
Thực tế, việc xuất khẩu nguyên liệu thô là alumina không có giá trị và không có hiệu quả kinh tế cao. Giá trị của alumina chỉ chiếm 10-12% so với giá trị của nhôm kim loại và chỉ bằng <5% so với giá trị của các sản phẩm từ nhôm kim loại (giấy nhôm, hộp nhôm, diura,).
Kinh nghiệm từ chính TKV cho thấy trên thị trường khoáng sản, các doanh nghiệp VN không có khả năng cạnh tranh cao so với ngay các đối thủ trong khu vực. Ví dụ, việc xuất khẩu than của TKV hiện nay là một điển hình. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) trong một Hội thảo ngay tại Hà Nội về chính sách phát triển kinh tế của VN, giá xuất khẩu than của VN (được qui về cùng giá trị chất lượng theo nhiệt năng) vào cùng một thị trường là Nhật Bản chỉ bằng 2/3 giá than xuất khẩu của Australia.
Tương lai đối với nguyên liệu thô alumina của TKV sẽ cũng không thể cạnh tranh được với Indonesia, và càng không thể cạnh tranh được với Australia, là những nước đã và đang xuất khẩu với qui mô lớn, có nhiều lợi thế về vận tải biển hơn hẳn VN.
Ngoài ra, yếu tố công nghệ lạc hậu và thị trường tiêu thụ bị phụ thuộc nước ngoài cũng sẽ không cho phép TKV thu được hiệu quả kinh tế trong việc xuất khẩu nguyên liệu thô alumina. Trường hợp điển hình hiện nay là dự án đồng Sinh Quyền của TKV. Việc xuất khẩu tinh quặng đồng hiện nay của dự án Sinh Quyền hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Nếu đưa tinh quặng đồng từ Sinh Quyền về nhà máy Tằng Lỏong để luyện thành đồng kim loại có thể bán cho nhiều hộ tiêu dùng (trong nước và/hoặc xuất khẩu), nhưng vì nhập khẩu công nghệ luyện đồng lạc hậu (chỉ luyện ra được kim loại đồng “ba con chín” có độ tinh khiết chỉ đạt 99,95÷99,97%, trong khi tiêu chuẩn của thị trường thế giới cao hơn “bốn con chín” 99,995) giá bán đồng kim loại thấp, tỷ suất lợi nhuận của việc luyện đồng lại thấp hơn nhiều so với xuất khẩu quặng tinh.
Đối với TKV, tương lai của ngành công nghiệp nhôm cũng không thể khá hơn hiện tại của các ngành công nghiệp đồng và than.
4/ Để xuất khẩu alumina phải đầu tư một hệ thống đường sắt không hiệu quả
Theo kế hoạch của TKV, để xuất khẩu alumina cần xây dựng 270km đường sắt từ Bình Thuận lên Tây Nguyên với chi phí ước khoảng 20.800 tỷ đồng (tương đương với 1,3 tỷ đô la) và một cảng biển Bình Thuận với chi phí 9.100 tỷ đồng (khoảng 535 triệu đô la). Cả hai dự án này thuộc lĩnh vực hạ tầng chỉ để phục vụ cho xuất khẩu alumina và vận chuyển than từ cảng lên Tây Nguyên.

Theo báo cáo về “định hướng công nghệ” của TKV tại Hội thảo, tuyến đường sắt còn được dùng để chở nước biển từ Bình Thuận lên Tây Nguyên để xử lý bùn đỏ?. Mặc dù các dự án bô - xít đang triển khai rầm rộ, nhưng hạng mục hạ tầng này đang còn “treo” và chưa rõ. Cả hai hạng mục này cần phải được đầu tư bằng nguồn vốn của chủ đầu tư và hạch toán vào alumina.
Như vậy, chắc chắn các dự án bô - xít và alumina trên Tây Nguyên lại càng không hiệu quả. Còn nếu, để hai hạng mục này được xây dựng bằng tiền đóng thuế của người lao động trong cả nước thì cần phải được Quốc hội xem xét.
Trong khi chờ đợi đường sắt (không biết bao giờ làm), chủ đầu tư dự tính sẽ sử dụng đường ôtô để chở than và các hóa chất độc hại khác từ biển lên Tây Nguyên và chở alumina từ Tây Nguyên ra biển. Rất tiếc, cả ba mặt hàng “than” hóa chất và “alumina” lại không thể sử dụng cùng một loại xe tải để tận dụng hai chiều hàng đi-hàng về. Than có thể chở bằng xe thùng, xe ben, còn alumina và hóa chất phải chở bằng xe bồn chuyên dùng hiện đại.
Như vậy, theo “định hướng công nghệ” của chủ đầu tư, phương tiện vận tải ô tô sẽ được sử dụng để chở hàng triệu tấn hàng một năm trên cung độ hơn 270km (về mặt kỹ thuật, cung độ tối ưu của vận tải ô tô loại 15-25T chỉ khoảng 10-15km). Vì vậy, giá thành alumina sẽ tăng cao hơn nhiều (chỉ tính riêng chi phí vận tải ra biển để xuất khẩu đã tăng thêm khoảng 1 triệu đ/tấn), việc xuất khẩu alumina không thể có lãi.
5/ Triển khai các dự án bô - xít là không an toàn về môi trường sinh thái
Một là: Môi trường đất bị chiếm dụng và môi trường sinh vật bị hủy hoại
Phần lớn, tới 95% bô - xít trên thế giới khai thác lộ thiên. Trong ngành mỏ, đây là phương thức khai thác đòi hỏi chiếm dụng nhiều đất, có tác hại huỷ diệt hệ thực vật và động vật, làm sói mòn trôi lấp đất. Mức độ chiếm dụng đất của các dự án bô - xít trên Tây Nguyên rất lớn. Diện tích rừng và thảm thực vật bị phá huỷ trong khâu khai thác bình quân 30-50ha/tr.tấn bô - xít; diện tích mặt bằng bị chiếm dụng để xây dựng nhà máy tuyển bô - xít bình quân 150 ha/tr.tấn công suất, và để tuyển alumina 450 ha/tr.tấn công suất.
Hai là: chất thải bùn đỏ sẽ phải tồn trữ vĩnh viễn trên cao nguyên dễ có nguy cơ bị trôi lấp, gây thảm họa về môi trường cho các tỉnh phía dưới.
Bùn đỏ gồm các thành phần không thể hoà tan, trơ, không biến chất và tồn tại mãi mãi như Hematit, Natrisilico-aluminate, Canxi-titanat, Mono-hydrate nhôm, Tri-hydrate nhôm v.v. Bùn đỏ là chất thải không thể tránh được của khâu chế biến bô - xít. Trên thế giới, chưa có nước công nghiệp phát triển nào (kể cả Mỹ) có thể xử lý được vấn đề bùn đỏ một cách hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu của xã hội (chỉ đáp ứng được khả năng của nhà đầu tư).
Australia là nước có lợi thế về địa hình (bằng phằng, có lớp đá gốc), khí hậu (rất ít mưa) và dân cư (rất thưa) thuận lợi cho việc chế biến bô - xít và chôn cất bùn đỏ tại chỗ. Ở Việt Nam, nếu chế biến bô - xít thành alumina trên Tây Nguyên sẽ bắt buộc phải tạo ra các hồ chứa bùn đỏ thường xuyên đe doạ tình hình an ninh chính trị trên địa bàn (bọn khủng bố có thể lợi dụng biến các hồ bùn thành bom bẩn). Lượng “bom bẩn” tạo ra trên Tây Nguyên sẽ lớn gấp 3 lần lượng alumina thu được từ Tây Nguyên để xuất khẩu cho Trung Quốc. Ngoài ra, còn phải thường xuyên tồn chứa một lượng lớn hoá chất độc hại (để chế biến bô - xít thành alumina) trong các kho hóa chất trên Tây Nguyên.
Chỉ riêng dự án của công ty cổ phần Nhân Cơ, theo báo cáo ĐTM, phần đuôi quặng nước thải và bùn thải có khối lượng tới hơn 11 tr.m3/năm. Dung tích hồ thải bùn đỏ sau 15 năm lên tới hơn 8,7 triệu m3. Với qui mô như vậy, thiệt hại do vỡ đập: không thể kiểm soát được, nguy cơ vỡ đập không thể lường trước được.

Tương tự, dự án Tân Rai có lượng bùn đỏ thải ra môi trường khoảng 0,8 tr.m3/năm, lượng nước bẩn thải ra môi trường 4,6 tr.m3/năm. Khối lượng quặng bô - xít khai thác của dự án này lên tới 2,32 tr.m3/năm, dẫn đến nguy cơ tổng lượng bùn đỏ phải tích trên cao nguyên cả đời dự án Tân Rai 80-90 tr.m3. Nhưng tổng dung tích của hồ chứa của dự án chỉ có: 20,25 tr.m3, số còn lại không biết chứa ở đâu?, ai là người chịu trách nhiệm? chủ đầu tư? dân địa phương?.
Ba là: các dự án bô - xít sẽ làm mất nguồn nước ngọt không có gì thay thế để phát triển các cây công nghiệp trên Tây Nguyên và mất nguồn nước cung cấp cho các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh
Cả hai khâu tuyển bô - xít và tuyển alumina trên Tây Nguyên đều đòi hỏi rất nhiều nước. Dự án Nhân Cơ có tổng mức tiêu dùng nước tới gần 15 triệu m3/năm. Dự án Tân Rai, có dự kiến xây đập chắn nước để đáp ứng nhu cầu của dự án khoảng 18 triệu.m3/năm. Như vậy, nguồn nước cho café, cao su và các nhu cầu khác bị mất đi hơn 33 tr.m3/năm. Lượng nước ngọt này chủ yếu dùng để tuyển quặng bô - xít, vì vậy không thể tuần hoàn, hay lọc để tái sử dụng cho các mục đích khác.
Bốn là: các dự án bô - xít trên Tây Nguyên sẽ làm thay đổi môi trường và sinh thái của cả khu vực
Vấn đề môi trường chủ yếu liên quan đến các chất thải. Các chất thải không thể tránh được trong các dự án bô - xít gồm:
(i) trong khai thác bô - xít, khối lượng chất thải rắn rất lớn, bình quân lượng đất đá phủ phải bốc lên và đổ thải 1m3/tấn bô - xít;
(ii) trong khâu tuyển quặng bô - xít, lượng chất thải bình quân 1tấn/tấn quặng nguyên khai;
(iii) trong khâu tuyển alumina lượng chất thải (gồm bùn đỏ, bùn oxalate, và nước thải) bình quân >2m3/tấn; và cuối cùng,
(iv) trong khâu luyện nhôm, lượng chất thải độc hại bình quân 1kg/tấn.
Ngoài các nguy cơ phá hủy môi trường tại chỗ, các dự án bô - xít alumina còn có những ảnh hưởng tiêu cực không thể tránh được đến hệ sinh thái trên qui mô rộng lớn.
Trong khâu khai thác bô - xít, nguy cơ hiện hữu là thảm thực vật và động vật của Tây nguyên sẽ bị thay đổi. Trong khâu tuyển alumina nguy cơ hiện hữu là tiêu dùng nhiều nước, phải xây đập chắn, sẽ ảnh hưởng đến chế độ thủy văn của các dòng chảy. Các biến đổi dị thường về thời tiết và khí hậu khu vực miền trung có nguy cơ sẽ xẩy ra ngay gắt hơn, hạn hán sẽ kéo dài hơn, lũ quét sẽ xẩy ra thường xuyên hơn (thiệt hại do các biến đổi dị thường về thời tiết hiện nay đã tới 4000-5000 tỷ đ/năm). Các chuyên gia của Comecon (Hội đồng tương trợ kinh tế) ngày xưa đã so sánh: để lấy được 1 tấn bô - xít trên Tây Nguyên, cái giá Việt Nam phải trả là sẽ mất đi 1 tấn lúa ở miền nam trung bộ.
6/ Triển khai các dự án bô - xít là không phù hợp với năng lực của TKV
Trong tất cả các khâu của việc phát triển ngành “bô - xít-nhôm”, TKV chỉ có thế mạnh duy nhất ở khâu đơn giản nhất là bốc xúc đất bazan để khai thác quặng bô - xít. Các khâu chủ yếu quan trọng còn lại đều phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài.
Với chức năng là một tập đoàn kinh tế của Nhà nước, có trách nhiệm phát triển ổn định ngành than để cung cấp đủ than cho nền kinh tế, TKV hiện còn đang đứng trước những thách thức không thể vượt qua, đó là cung cấp đủ than cho các nhà máy nhiệt điện.
Kể từ khi được thành lập đến nay, trong suốt hơn 13 năm qua, trong ngành than hầu như TKV chưa có đầu tư tái sản xuất mở rộng, chưa xây dựng được thêm một mỏ than mới nào, toàn bộ sản lượng than hiện có đều được khai thác theo kiểu “thâm canh” đến tối đa tại các mỏ than được xây dựng từ thời bao cấp theo Tổng sơ đồ do Liên Xô (cũ) lập trước đây.
Việt Nam có bể than đồng bằng Sông Hồng với tiềm năng (trữ lượng) gấp 20 lần bể than Quảng Ninh. Mặc dù điều kiện khai thác có khó khăn hơn so với bể than Quảng Ninh, nhưng than đồng bằng sông Hồng lại có chất lượng cao hơn, rất phù hợp cho các nhà máy nhiệt điện, xi măng, phân bón, hoá chất, luyện kim v.v. Những nguồn lực có hạn của TKV nên chăng phải được ưu tiên để phát triển bể than đồng bằng sông Hồng để làm ra sản phẩm mà nền kinh tế VN đang rất cần, nhưng không thể nhập khẩu được trong tương lai gần.
Ngoài việc không thể tăng được sản lượng than do không có đầu tư đúng mức như trên, hiện nay, tại bể than Quảng Ninh, TKV còn phải đối mặt với hai vấn đề cũng chưa có khả năng giải quyết. Đó là: (i) vấn đề môi trường vùng than Quảng Ninh đang bị xuống cấp nghiêm trọng và (ii) vấn đề vi phạm kỹ thuật cơ bản (cũng rất nghiêm trọng) của các mỏ than đã và đang làm tăng số vụ tai nạn lao động chết người cao gấp 3 lần mức bình quân của thế giới.
Yêu cầu về vốn đầu tư của riêng ngành than hiện nay cũng rất lớn, bình quân khoảng 1 tỷ đô la/năm.
Ngoài ra, định hướng “kinh doanh đa ngành” của TKV đến nay đã bộc lộ nhiều bất cập (phần lớn các dự án “đa ngành” không hiệu quả, đều phải được “bao cấp” từ hòn than, đặc biệt là các dự án điện Na Dương, công ty Tài Chính, khách sạn, du lịch, lắp ráp ôtô v.v.). Gần đây, TKV còn được Chính Phủ giao bổ sung nhiệm vụ xây dựng thêm các nhà máy nhiệt điện chạy than. Tất cả những nhiệm vụ hệ trọng trên đang đè nặng lên đôi vai gầy và quá mỏng manh của người thợ mỏ. Có thể nói, giao cho TKV những dự án ngoài than cũng chẳng khác nào giao “ốc mang cọc cho rêu”.
7/ Triển khai các dự án bô - xít là không đảm bảo sinh kế cộng đồng của các đồng bào dân tộc thiểu số trên Tây Nguyên
Đồng bào các dân tộc thiểu số trên Tây Nguyên chủ yếu sống bằng nghề nông. Đất rừng Tây Nguyên ngắn với cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đối với bà con dân tộc ít người, đất rừng không chỉ là không gian sinh tồn, mà còn gắn liền với đời sống văn hóa. Suy giảm về tài nguyên rừng kéo theo suy giảm về văn hóa. Không một buôn làng nào không gắn với rừng như gắn với thần linh riêng của mình.
Số liệu điều tra cụ thể của các nhà khoa học thuộc trường Đại học Tây Nguyên đã khẳng định: Khác với ý kiến lâu nay (của chủ đầu tư) cho rằng đất có hàm lượng bô - xít cao không thuận lợi cho phát triển cây công nghiệp, ở xã Nhân Cơ (trên địa bàn triển khai dự án bô - xít Nhân Cơ) diện tích đất nông nghiệp chiếm tới 83,03%, đất lâm nghiệp 0,08% và chỉ có 2,1% đất chưa sử dụng. Tổng diện tích đất tự nhiên của xã Nhân Cơ có 4.573 ha, trong đó có 3039,5 ha trồng cây công nghiệp là cà phê (2264 ha), cây điều (515 ha), cây tiêu (136 ha), và cau su (124,5 ha).
Trong khi đó, diện tích chiếm đất của dự án Nhân Cơ trên 4000ha, tương đương với 87% diện tích đất tự nhiên của xã. Cũng theo báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Tây Nguyên, đối với đồng bào M’nông, chưa có dự án bô - xít Nhân Cơ đồng bào đã thiếu đất sản xuất rồi.
Chiếm dụng phần lớn đất nông nghiệp nhưng các dự án bô - xít không mang lại chỗ làm việc cho đồng bào dân tốc thiểu số. Ví dụ, dự án Tân Rai có diện tích chiếm đất tới 4200ha, nhưng chỉ tạo ra chỗ làm việc cho tổng số 1668 lao động. Như vậy, bình quân dự án bô - xít cần 2,5ha đất để tạo ra 1 việc làm cho người phải có đào tạo. Trong khi đó, 1 ha đất dùng để phát triển cây công nghiệp sẽ tạo ra 5 chỗ làm việc cho bà con dân tộc ít người không cần phải đào tạo.
Cũng theo số liệu điều tra, khảo sát của Trường Đại học Tây Nguyên, trong 12 buôn làng của huyện Đắk Rlap, số người học hết lớp 9 để có đủ điều kiện tuyển dụng vào dự án cũng “chỉ đếm trên đầu ngón tay”. Dự án bô - xít Nhân Cơ mới chỉ tuyển chọn được 2 (hai) con em đồng bào dân tộc tại chỗ đi đào tạo công nhân. Hiện dự án bô - xít Nhân Cơ đang gửi người đi đào tạo tại Trung Quốc, nhưng chủ yếu là con em của cán bộ trong công ty- từ các tỉnh khác đến.

Theo số liệu của Công ty Alumin Nhân Cơ, để triển khai dự án, số lượng lao động sẽ tập chung vào Tây Nguyên khoảng 3000 người, bao gồm kỹ sư, công nhân kỹ thuật (chủ yếu là người Trung Quốc) và một số ít còn lại là lao động từ ngoài Bắc vào. Đối với dự án Tân Rai (đang triển khai ở Lâm Đồng), tình trạng cũng tương tự, và nguy cơ còn hiện hữu hơn vì nhà thầu Trung Quốc đã thắng thầu.
Khoảng cách giầu-nghèo giữa người có việc làm (từ nơi khác đến, có thu nhập) và người không có việc làm (người dân tộc, không được đào tạo, không còn đất canh tác) sẽ gia tăng. Việc người dân tộc trên Tây Nguyên sẽ bị đẩy ra ngoài cuộc sống xã hội ngay trên quê hương của mình, thay vào đó là làn sóng di cư mới của những lực lượng lao động có đủ trình độ từ Trung Quốc và các tỉnh ngoài Tây Nguyên đã trở thành hiện thực.

(Ví dụ điển hình là dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Cẩm Phả của TKV ở Quảng Ninh hiện nay, sau khi trúng thầu, nhà thầu Trung Quốc đã đưa công nhân và lao động phổ thông từ Trung Quốc sang thực hiện 100% công việc).
Ngoài ra, dự án bô - xít Nhân Cơ còn chiếm dụng, san lấp cả hồ nước ngọt (hồ Cá Trê của người M’nông bon Bù Zấp) là nguồn cung cấp nước sinh hoạt và địa điểm hoạt động văn hóa của đồng bào dân tộc ít người trên địa bàn.
8/ Triển khai các dự án bô - xít là không phát triển bền vững Tây Nguyên
Để phát triển bền vững, chúng ta cần có đánh giá, phân tích nghiêm túc các thế mạnh, các điểm yếu, các cơ hội, và các thách thức trong phát triển kinh tế của Tây Nguyên (các học giả Harward thường gọi là “phân tích chiến lược”).
Trước hết: Thế mạnh của Tây Nguyên là đất đỏ bazan. Đây là nguồn tài nguyên rất quý, là nơi duy nhất có khả năng trồng cau su, cà phê, tiêu, điều, chè. Trong đó, tại các khu vực có mỏ bô - xít các cây trồng chủ lực là cà phê, điều, tiêu và cau su có năng suất bình quân tương đối cao và trình độ thâm canh và canh tác của người dân cũng rất chuyên nghiệp. Đây không chỉ đơn giản là “thế mạnh”, theo khái niệm của kinh tế thị trường, đất đỏ bazan của Tây Nguyên là “thế mạnh cạnh tranh cốt lõi”.
Thứ hai: Điểm yếu của Tây Nguyên là hạ tầng cơ sở kém phát triển (đặc biệt là đường giao thông, nước ngọt và nguồn cung cấp điện) và trình độ đào tạo của người lao động có hạn.
Thứ ba: Cơ hội phát triển kinh tế của Tây Nguyên là nhu cầu tăng kim ngạch xuất khẩu cà phê, chè, điều, tiêu, cau su v.v. trong cân bằng ngân sách của Nhà nước đang ngày càng tăng. Trong hoàn cảnh VN đã ra nhập WTO, thị trường cho các sản phẩm cà phê, điều, cao su ngày càng được đảm bảo. Theo đánh giá của các chuyên gia, sản phẩm các cây công nghiệp trên vùng đất đỏ bazan có thể dần thay thế kim ngạch xuất khẩu của dầu thô (với trữ lượng có hạn và với sản lượng đang ngày càng giảm) của VN.
Thứ tư: Thách thức lớn nhất của Tây Nguyên là do vị trí địa lý của Tây Nguyên với chức năng là “mái nhà của Đông Dương” việc phát triển kinh tế trên Tây Nguyên có ảnh hưởng đến vấn đề môi trường và vấn đề sinh thái không chỉ của Tây Nguyên mà còn của các tỉnh bên dưới (nam trung bộ của VN và các tỉnh của Lào và Campuchia.
Qua phân tích như trên, ta thấy, các dự án bô - xít-alumina hoàn toàn không phát huy được thế mạnh (thậm chí còn triệt tiêu các thế mạnh), nhưng lại khơi sâu điểm yếu (làm căng thẳng hơn những mất cân đối về giao thông, nước ngọt và điện năng), không tận dụng được cơ hội (thậm chí còn làm giảm cơ hội xuất khẩu), nhưng lại làm hiện thực hơn các thách thức (môi trường và sinh thái).
Lựa chọn của Tây Nguyên: bô - xít-alumina hay cây công nghiệp?
Trước hết, về mặt định hướng: phát triển cây công nghiệp là định hướng đã được Chính Phủ VN lựa chọn từ trước đến nay, có đầy đủ căn cứ khoa học, và kinh tế xã hội, đã và đang được thực tế của Tây Nguyên chứng minh là hoàn toàn đúng đắn. Còn phát triển bô - xít là một định hướng hoàn toàn mới, nhưng rất nguy hiểm xét về mặt khoa học và kinh tế xã hội, tuy chưa được thực tế của VN chứng minh, nhưng trên thế giới, đã có rất nhiều ví dụ điển hình.
Thứ hai, về nguyên tắc phát triển bền vững (hoặc phát triển sạch): phát triển cây công nghiệp là “phát triển xanh” và sạch. Cây công nghiệp không chỉ có tác dụng lấy lại mầu xanh cho Tây Nguyên, còn có tác dụng giữ độ ẩm, hạn chế các thảm họa thiên tai như lũ quyét, lũ ống, chống khả năng khô cằn, điều hòa nguồn cung cấp nước cho các tỉnh hạ lưu. Ngược lại, phát triển bô - xít là phát triển hủy diệt mầu xanh, xâm hại đến thảm thực vật và thảm sinh vật và làm ô nhiễm không chỉ Tây Nguyên mà cả các tỉnh dưới hạ lưu.
Thứ ba, về hiệu quả kinh tế: Các tính toán cho thấy, hiệu quả kinh tế của các dự án bô - xít thấp hơn nhiều so với cau su và cà phê. Cùng với một số tiền bỏ ra (tạm lấy tổng mức đầu tư theo tính toán ban đầu của dự án bô - xít Nhân Cơ là 2938,8 tỷ đồng), nếu phát triển bô - xít, chủ đầu tư sẽ làm mất đi 4000 ha cây công nghiệp, nếu phát triển cây công nghiệp chủ đầu tư sẽ trồng mới được 34.754 ha cau su, hay 58.777 ha cà phê.

Tổng doanh thu hàng năm của bô - xít chỉ đạt 1.450 tỷ đồng, còn của cau su là 2.242 tỷ đồng, của cà phê là 5.878 tỷ đồng. Khả năng thanh toán nợ của các dự án cau su và cà phê cao hơn của bô - xít khoảng 5 lần; Khả năng đóng góp cho ngân sách địa phương của cau su cao hơn 23 lần, của cà phê cao hơn 72 lần. Tổng lao động sử dụng của bô - xít chỉ có tối đa 5000 người (chủ yếu di dân từ nới khác đến), nhưng của cau su là 173.000 người, của cà phê là 588.000 người (chủ yếu là lao động tại chỗ) v.v. (chi tiết xem bảng sau).
Chỉ tiêu so sánh đ/vị bô - xít Cao su Cà phê
1. Tổng vốn đầu tư, tỷ.đồng tỷ VNĐ 2.938,8 2.938,8 2.938,8
2. Diện tích cây xanh bị phá hủy ha 4.000 0 0
3. Diện tích cây xanh được trồng mới ha 0 34.754 58.777
4. Tổng Doanh thu hàng năm tỷ đ. 1.450 2.242 5.878
5. Tổng thuế nộp ngân sách hàng năm tỷ đ 30 701 2.175
6. Lợi nhuận sau thuế hàng năm tỷ đ 301 1.061 3.703
7. Khả năng thanh toán nợ của dự án B/C 1,9 9,0 9,0
8. Thời gian thu hồi vốn năm <5 >3 >1
9. Sử dụng lao động người 5000 173.000 588.000

Ghi chú: số liệu so sánh trên đến nay sẽ còn thay đổi theo hướng có lợi hơn cho cao su và cà phê, vì tổng mức đầu tư của dự án bô - xít Nhân Cơ sau một năm đã tăng lên hơn 3200 tỷ VNĐ. Con số thực sau này chắc chắn sẽ còn cao hơn nữa.
9/ Triển khai các dự án bô - xít là không minh bạch
Kết quả của các lần hội thảo cho thấy, còn rất nhiều vấn đề quan trọng (như nêu trên) cần phải được làm rõ trước khi triển khai các dự án bô - xít. Hiện nay, mặc dù chủ đầu tư chưa làm rõ được bất cứ vấn đề gì nhưng vẫn tích cực triển khai. Cách làm như vậy là không minh bạch, không cầu thị và chưa hết trách nhiệm.
Điều đáng quan ngại hơn, là càng triển khai, càng nẩy sinh nhiều các câu hỏi chưa có câu trả lời, hoặc được chủ đầu tư đưa ra các câu trả lời cũng không minh bạch. Ví dụ: (i) Như trên đã nêu, để xử lý bùn đỏ, chủ đầu tư dự tính sẽ vận chuyển nước biển bằng tàu hoả từ Bình Thuận lên Tây Nguyên?. (ii) Trong quá trình đấu thầu dự án Tân Rai, qui mô công suất đã được chủ đầu tư điều chỉnh tăng lên gấp 2 lần chỉ căn cứ theo “ý kiến” của các nhà thầu nước ngoài. (iii) Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, các vấn đề hiệu quả và vấn đề môi trường của dự án Tân Rai đã được giảm xuống đến mức nhà thầu không có công nghệ nguồn, đang phải đóng cửa các dự án của chính mình ở mẫu quốc cũng đã thắng thầu các dự án ở Tây Nguyên?
Việt Nam đang rất cần triển khai các dự án nhiệt điện chạy than. Mặc dù các dự án điện là các dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng, rất thiết yếu đối với nền kinh tế, Chính phủ vẫn yêu cầu chủ đầu tư phải làm rõ “đầu vào” và “đầu ra” (hợp đồng mua than và hợp đồng bán điện). Các dự án bô - xít là những dự án bán rẻ tài nguyên của đất nước, không những cả “đầu vào” “đầu ra” đều chưa rõ, mà bản thân công nghệ kỹ thuật (“hộp đen”) của dự án cũng còn tồn tại nhiều vấn đề không minh bạch. Những người đưa ra các quyết định, các lựa chọn rất quan trọng về công nghệ kỹ thuật bô - xít-alumina lại không có kinh nghiệm gì về alumina-bô - xít Tây Nguyên (giám đốc Công ty bô - xít Nhân Cơ không trả lời chính xác được câu hỏi “bể bùn đỏ có tổng mức đầu tư là bao nhiêu?”, chỉ đưa ra con số “khoảng 200 tỷ đồng”, tức khoảng 12 triệu U$, thấp hơn 10-15 lần mức bình quân của thế giới, nhưng trên hội thảo cứ khẳng định bể chứa bùn đỏ khổng lồ rộng hơn 200ha “do nước ngoài thiết kế” là “rất an toàn”).
10/ Triển khai các dự án bô - xít là không tuân thủ luật
Thứ nhất, theo Điều 14, Mục 1, Chương III của Luật Bảo vệ môi trường 2005, thì các chương trình như bô - xít ở Tây Nguyên, phải có Đánh giá môi trường chiến lược (ĐCM) trước khi phê duyệt.
Mặc dù vậy, trên thực tế, các dự án bô - xít đã được triển khai, thậm chí có dự án đã đấu thầu, nhưng vẫn chưa có ĐCM được phê duyệt. Đây là một kẽ hở đang bị chủ đầu tư TKV cùng các nhà thầu Trung Quốc lợi dụng bỏ qua các nguy cơ về phá hủy môi trường và các thảm họa về sinh thái cho toàn bộ khu vực Nam Trung bộ của VN để chấp nhận và đưa những công nghệ lạc hậu vào Tây Nguyên.
Thứ hai, Luật khoáng sản quy định: (tại khoản 1, điều 5) “Nhà nước khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản; ưu tiên các dự án có áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến trong khai thác, chế biến, làm ra sản phẩm có giá trị và hiệu quả kinh tế - xã hội cao”; (tại khoản 4 điều 5) “Chính phủ hạn chế việc xuất khẩu khoáng sản dưới dạng nguyên liệu thô” và (tại khoản 1 điều 48) đã nêu rõ: nhà nước có chính sách ưu đãi và khuyễn khích đầu tư đối với các dự án chế biến khoáng sản thành nguyên liệu tinh và sản phẩm.
Trong khi đó, chương trình phát triển của TKV chỉ tập trung cho việc xuất khẩu alumina là một dạng nguyên liệu thô, không phải là sản phẩm nhôm. Các dự án alumina của TKV đang tích cực triển khai với công nghệ thải bùn đỏ (dạng lỏng) rất lạc hậu của Trung Quốc. Trong ngành công nghiệp nhôm của Thế giới, Trung Quốc không nằm trong số những nước có công nghệ nguồn. Chính các công nghệ thải bùn đỏ mà TKV đang nhập khẩu từ Trung Quốc vào Tây Nguyên hiện đang bị xã hội tẩy chay ở tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc. Các nước trên thế giới, kể cả các nước đang phát triển hoặc chậm phát triển, đã từ lâu chuyên sang công nghệ thải bùn đỏ thân thiện hơn với môi trường (dạng khô).
Thứ ba, theo “Chương trình nghị sự 21 của VN” về phát triển bền vững đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại QĐ số 153/2004/TTg-QĐ ngày 17/8/2004, trong đó về các lĩnh vực tài nguyên môi trường đã quy định cần ưu tiên bảo vệ môi trường nước và sử dụng bền vững tài nguyên nước, khai thác thác hợp lý và sử dụng tiết kiệm, bền vững tài nguyên khoáng sản; về định hướng phát triển bền vững đã nêu rõ quan điểm: phát triển ngành khai khoáng cân đối với phát triển chung của các ngành kinh tế khác.
Trong khi đó, các dự án khai thác bô - xít và chế biến nguyên liệu thô alumina đều dự kiến xâm hại trên quy mô lớn đến môi trường nước ngọt, môi trường đất của Tây Nguyên. Theo báo cáo của TS. Tuyết Nhung Buôn Krông (Đại học Tây Nguyên), dự án bô - xít Nhân Cơ đã xâm hại đến sinh kế của cộng các bà con dân tộc thiểu số trên địa bàn (chiếm đất canh tác, lấp cả hồ nước ngọt).
Tóm lại, về nhiều khía cạnh tuân thủ luật, việc triển khai các dự án bô - xít trên Tây Nguyên hiện nay của chủ đầu tư cần phải được dừng lại kịp thời để xem xét đánh giá trước khi chưa quá muộn.
Nhận xét và kiến nghị
Mặc dù các dự án bô - xít đang trong thời kỳ triển khai, nhưng cân nhắc giữa “Mất và được trong việc khai thác bô - xít Tây Nguyên” chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng:
(i) Mọi sai lầm đều có thể sửa chữa được;
(ii) Những chi phí chủ đầu tư đã từng chi ra cho bô - xít không thể so sánh được với những thiệt hại vô cùng nặng nề mà nền kinh tế của đất nước sẽ phải ngánh chịu từ việc khai thác bô - xít;
(iii) Cũng như dự án thép ở Vân Phong, chúng ta hãy tiếp tục nói “không” với các dự án bô - xít trên Tây Nguyên mang tính hủy diệt môi trường và không hiệu quả về mọi mặt.
Ngày 5/11/2008, 17 nhà khoa học, quản lý, nghiên cứu thuộc nhiều lĩnh vực có liên quan đến phát triển bền vững kinh tế-xã hội Tây Nguyên đã có Thư kính gửi tới lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc Hội, Chính Phủ và các tỉnh đề nghị tạm dừng khai thác bô - xít trên Tây Nguyên.
Với các lý do trình bầy trên, chúng tôi kính đề nghị Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam xem xét không cho phép triển khai các dự án bô - xít trên Tây Nguyên.
• TS. Nguyễn Đông Hải - Nhà văn Nguyên Ngọc - TS. Nguyễn Thành Sơn

Theo Tuanvietnam.net.

Thứ Năm, 25 tháng 6, 2009

Tôi chỉ là Ashkenazy! Hay quốc nạn loạn chức danh, học vị

Tôi chỉ là Ashkenazy! Hay quốc nạn loạn chức danh, học vị
(TuanVietNam)- "Bệnh thành tích, cơ hội, trọng bằng cấp, trọng chức quyền... đang làm tê liệt trí tuệ Việt Nam. Phải chăng nó là một trong ba loại giặc đang đe doạ sự tồn vong của dân tộc mà Hồ Chí Minh đã nói, đó là: giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm?"

Tôi chỉ là Ashkenazy
Tôi xin được bắt đầu bài viết này bằng một câu chuyện có thật xảy ra ở TP Hồ Chí Minh vào năm 1995. Chuyện như sau: Trong một chuyến đi bằng đường hàng không, do trục trặc, nghệ sỹ Piano lớn của thời đại chúng ta là Vladimir Ashkenazy đã phải dừng lại ở TP HCM hai ngày.
Tất nhiên một nghệ sỹ lớn như Ashkenazy khó lòng mà không bị phát hiện ra trong thế giới nhiều thông tin này. Và ông đã được mời tổ chức một buổi hoà nhạc nho nhỏ cho những người hâm mộ. Với sự khiêm tốn vốn có ở những người vĩ đại, ông chỉ muốn biểu diễn ở phòng nhỏ trong Nhạc viện TPHCM và chủ yếu dành cho một công chúng hẹp, trong giới nhà nghề. Việc này tất nhiên được nhạc viện thành phố chú ý ngay và họ muốn biến chuyến thăm bất đắc dĩ này quảng cáo thêm cho uy tín của nhạc viện.
Người lãnh đạo nhạc viện lúc đó là một giáo sư, tiến sỹ, nghệ sỹ nhân dân đã dẫn đầu một nhóm giáo sư, tiến sỹ của nhạc viện TPHCM đón tiếp Ashkenazy.
Trong buổi tiếp, sau khi trân trọng giới thiệu với Ashkenazy từng thành viên của ta với đầy đủ chức danh, học vị, thì việc mà phía ta muốn hỏi ông ta, để đưa vào programe (tờ in chương trình) và giới thiệu khi biểu diễn là: Ashkenazy là gì? Thạc sỹ, tiến sỹ, giáo sư hay là gì gì hơn thế nữa ? Và câu trả lời là: Tôi chỉ là Ashkenazy.
Tưởng khách không hiểu. Chủ lại hỏi lại và gợi ý thêm cho dễ hiểu hơn: chắc một nghệ sỹ lớn như ông thì phải có tham gia giảng dạy, vậy khi đó chức danh và học vị của ông là gì? Câu trả lời vẫn không thay đổi: Tôi chỉ là Ashkenazy.
Ô hay! Lạ cái ông này, cỡ như ông ta ít nhất cũng phải có một chức danh gì chứ? hay ông ta giấu? Và cuộc gặng hỏi vẫn tiếp tục. Tuy vậy, truy mãi, cuối cùng, dù đông người, ta đã phải chịu thua một mình ông, vì câu trả lời vẫn chỉ có thế, dù đã được pha thêm chút khó chịu: Tôi chỉ là Ashkenazy!
Cách giới thiệu một cuộc hoà nhạc ngày nay và cái tên cha sinh mẹ đẻ
Trên thế giới thì hàng trăm năm nay, khi giới thiệu một buổi biểu diễn nhạc chuyên nghiệp (hoặc in trên bìa CD) chỉ đơn giản như sau, ví dụ:
1/Về tác giả : Sonate số 2, giọng Si giáng thứ của F.Chopin.
2/Về biểu diễn: Piano : V.Ashkenazy
Cách đây khoảng trên hai chục năm, ở Việt Nam ta cũng tương tự như vậy. Nhưng bây giờ thì khác xa rồi, thường họ sẽ giới thiệu theo công thức như sau:
1/ Về tác giả: Tên tác phẩm, của + Chức danh (giáo sư, phó giáo sư) + học vị (tiến sỹ, thạc sỹ) + Danh hiệu (nghệ sỹ Nhân dân, nghệ sỹ ưu tú. Nhà giáo Nhân dân, nhà giáo ưu tú). + Giải thưởng (giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước) + Chức vụ quản lý (Chủ tịch, Giám đốc, Hiệu trưởng, Viện trưởng...) + tên tác giả
2/ Về biểu diễn: Độc tấu + tên nhạc cụ, do + Chức danh (giáo sư, phó giáo sư) + học vị (tiến sỹ, thạc sỹ) + Danh hiệu (nghệ sỹ Nhân dân, nghệ sỹ ưu tú. Nhà giáo Nhân dân, nhà giáo ưu tú) + Giải thưởng (giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng nhà nước) + Chức vụ quản lý (Chủ tịch, Giám đốc, Hiệu trưởng, Viện trưởng...) + tên người + biểu diễn
Bao nhiêu sức lực, thời gian và tiền bạc đáng ra để tập trung làm chuyên môn, làm nghề thì lại bị phung phí vào các cuộc đua tranh lấy bằng cấp.
Mời bạn đọc thử lắp những chức danh, danh hiệu này trước những tên tuổi như: Mozart, Beethoven, Chopin ….. hoặc: Karajan, Rubinstein, Horowitz vv… bạn sẽ thấy nó hài hước tới mức nào ngay. Thêm bất cứ cái gì trước những cái tên đó, đều là một sự xúc phạm khó tha thứ. Bản thân nó đã là vàng mười. Sự sâu sắc luôn mộc mạc, giản dị. Ngược lại với sự son phấn loè loẹt, hàng mã.
Và không chỉ dừng lại ở các cuộc biểu diễn, mà ngay cả trong các cuộc họp hành, hiếu hỷ. Khi mời ai lên phát biểu, người ta cũng luôn luôn phủ đầu làm tối tăm mặt mũi cử toạ bằng một tràng dài các chức danh, học vị, chức vụ quản lý, chức vụ Đảng, cuối cùng mới đến tên người. Điều này dần dần đã thành thói quen, gây sự thiếu thân thiện và tủi phận với những kẻ chỉ có cụt lủn mỗi cái tên cha sinh mẹ đẻ. Họ cảm thấy hẫng như mình thiếu hẳn một cái đuôi.
Cuộc họp nội bộ ngày xưa thì giản dị: “Mời anh Trí” hay “Mời chị Tuệ” lên phát biểu. Chỉ vỏn vẹn có 3 từ thôi, mà sao thân mật, ấm cúng và hiệu quả biết bao. Còn bây giờ thì phải khoảng trên dưới 30 từ. Cũng theo công thức trên, ta lại cùng nghép thử, ví dụ :
Xin kính mời + chức danh + học vị + toàn bộ danh hiệu đã được phong + toàn bộ giải thưởng đã được tặng + toàn bộ chức vụ quản lý, chức vụ Đảng đang có + Ông(Bà) + họ tên đầy đủ + lên phát biểu.
Mời bạn tham khảo thêm tên và tước hiệu của cụ Phan Thanh Giản (1796-1867) một đại thần triều Nguyễn phong kiến như sau: Hiệp biện Đại học sỹ, lãnh Lễ bộ thượng thư, kiêm quản Hộ bộ ấn triện, sung Kinh diên giảng quan, sung Cơ mật viện đại thần, kiêm Quốc tử giám sự vụ, kiêm quản Văn thần phò mã đô uý, Phan Thanh Giản, tự Tĩnh Bá, hiệu Ước Phu. (50 từ)
Ôi, nếu cụ sống lại và đến dự một cuộc họp nội bộ của chúng ta ngày nay, và được ta giới thiệu cụ với đầy đủ chức danh như trên, thì chắc cụ rất hãnh diện. Vì lũ con cháu chúng ta sao mà giống thời các cụ thế! tiếp nối được truyền thống cha ông xưa. Và vẫn đang liên tục phát triển.
Đây là hiện tượng phổ biến trên toàn quốc khoảng hai chục năm nay chứ không chỉ riêng ở một đơn vị nào, và nó vẫn còn đang phát triển theo hướng rườm rà hơn nữa. Tôi sợ với đà này, một ngày nào đó, ngay trong gia đình, bố mẹ, con cái, vợ chồng… hoặc bạn bè gặp nhau ngoài phố, khi gọi nhau cũng phải kèm theo những danh hiệu rườm rà đã kể trên thì thực là rồ dại.
Vậy bạn đọc nghĩ sao về những hiện tượng này? Bản chất của những hiện tượng này là gì?
Một cuộc chạy đua chức danh trên toàn quốc “trồng lúa thu hoạch khoai”
Ta tự hào về chế độ ưu việt xã hội chủ nghĩa (mà hiện nay chỉ có người dân ở một số ít nước được hưởng là: Triều Tiên, Cu ba, Lào và Trung Quốc) mọi người đều bình đẳng. Nhưng thực chất thì người ta đang dựa theo chức quyền để phân chia đẳng cấp, quyền lợi, tất nhiên chức càng cao, bổng lộc càng lớn.

Lúc sống đã vậy, tận tới lúc chết chôn ở đâu cũng có tiêu chuẩn dựa theo chức tước. Vì thế cả xã hội đều trọng chức quyền. Mà muốn có chức quyền thì cần có bằng cấp, cộng thêm danh hiệu Đảng viên, là người ta có thể tiến thân, có thể trở thành lực lượng lãnh đạo với nhiều bổng lộc mà không cần phải có thực lực.

Đó là nguyên nhân sâu xa đã và đang dẫn đến việc nhiều kẻ cơ hội đổ xô đi săn bằng cấp bằng mọi giá. Đua bằng cấp, chức danh chứ không đua tài năng. Bởi đua tài năng, cuộc đua dưới ánh mặt trời, thì khó hơn nhiều, dễ lộ chân tướng và dễ bị thua. Bao nhiêu sức lực, thời gian và tiền bạc đáng ra để tập trung làm chuyên môn, làm nghề thì lại bị phung phí vào các cuộc đua tranh lấy bằng cấp. Nhìn vào con đường để trở thành thạc sỹ, tiến sỹ hiện nay ở nước ta đã bị biến chất. Nhiều người có lòng tự trọng không khỏi ngại ngùng và muốn lánh xa.
Bản thân bằng cấp và chức danh chân chính, lương thiện thì rất có ích cho xã hội. Trước kia, số giáo sư, tiến sĩ ở ta không nhiều, nhưng đó là những tên tuổi như: Đào Duy Anh, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Mạnh Tường... Còn ngày nay thì đúng là “Ta tự hào đi lên. Ôi Việt Nam” giáo sư nhiều đến mức có thể “ra ngõ gặp giáo sư”. Với thực trạng này thì nền học thuật của nước nhà có nguy cơ trở thành hữu danh, vô thực.
Trong lĩnh vực biểu diễn âm nhạc chuyên nghiệp, để chơi đàn, hát, làm được concert thì khó quá, muốn thế phải rèn luyện hàng ngày, phải hy sinh rất nhiều mà lại không oai bằng rẽ ngang đi làm tiến sỹ, đơn giản hơn, chóng được thăng chức với nhiều bổng lộc hơn.

Kết quả là: mục đích cuối cùng và duy nhất của âm nhạc là tiếng đàn, tiếng hát, những buổi concert và viết những tác phẩm âm nhạc chuyên nghiệp thì dần dần không còn ai làm, thay vào đó là rất nhiều tiến sỹ âm nhạc ra đời. Có được cái bằng tiến sỹ, phần lớn không ai chơi đàn và hát nữa. Tiền của nhân dân bỏ ra đào tạo họ để mang lại tiếng đàn tiếng hát cho đời đã trở thành vô ích vì sai mục đích. Trồng lúa thì lại thu hoạch khoai!

Hướng dẫn làm luận văn tiến sỹ chéo ngành chéo nghề

Ở hầu hết các trung tâm đào tạo đại học của Việt Nam trên toàn quốc hiện nay, để có được chức danh thạc sỹ, tiến sỹ, phải có người hướng dẫn viết luận văn, luận án. Đó là các giáo sư, phó giáo sư. Nhưng để đào tạo ra càng nhiều, càng nhanh và để “phổ cập” học vị thạc sỹ, tiến sỹ, người ta đã sử dụng các giáo sư hoặc phó giáo sư nghề này, hướng dẫn luận văn cho các thạc sỹ, tiến sỹ nghề khác.

Tuy cùng là một ngành, nhưng càng lên cao, càng phải chuyên sâu, và cùng một ngành nhưng rất nhiều nghề hoàn toàn khác nhau. Ví dụ như trong ngành thể thao thì môn cờ tướng với bắn súng hoặc đấm bốc, không hề có liên quan đến nhau. Hoặc trong ngành điện ảnh thì nghề viết kịch bản và nghề tạo khói lửa, cũng không hề có liên quan. Nghề nào cũng vậy. Nên dù biện minh rằng, đó là “hướng dẫn phương pháp luận” thì cũng chỉ là ngụy biện, và không thể chấp nhận được.
Thử tưởng tượng trong cùng ngành y. Giáo sư chuyên nghề phụ khoa lại đi hướng dẫn luận văn cho tiến sỹ chuyên nghề nha khoa thì có được không? Bởi vì hai bộ phận này của cơ thể chúng ta là hoàn toàn khác nhau, có những chức năng hoàn toàn khác nhau. Vậy mà chéo ngành chéo nghề vẫn vô tư hướng dẫn đã trở thành bình thường từ lâu.

Vậy xin hỏi cấp trên có biết vấn đề này không? Với những sự hướng dẫn như vậy, những bản luận văn đó có giá trị gì không? Và trong việc này liệu có thể tránh được tiêu cực không? Có được cái bằng cấp ấy, có đáng tự hào để mời mọi người đi khao “rửa bằng” không? Có lẽ sự “rửa bằng” nghĩa đen lại chính xác hơn vì nó vốn không được sạch sẽ cho lắm.
Theo chúng tôi, cấp bộ hãy cho dừng ngay kiểu hướng dẫn trái ngành trái nghề như hiện nay ở hầu hết các cơ sở đào tạo trên cả nước. Và cho rà soát lại tất cả các luận văn thạc sỹ, tiến sỹ đã có. Nếu không phải do người hướng dẫn có cùng chuyên môn thì cho thu hồi lại, và các luận văn đó phải được làm lại, với sự hướng dẫn của các giáo sư cùng chuyên ngành và công khai việc này trong giới chuyên ngành.

Các danh hiệu, giải thưởng, câu chuyện cười ra nước mắt

Vườn hoa chỉ có 2 loại hoa

Định kỳ một hai năm gì đó, ta có những đợt phong tặng danh hiệu nghệ sỹ ưu tú, nghệ sỹ Nhân dân và trao tặng các giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Việc này không phải do người Việt Nam ta nghĩ ra, mà do chúng ta học tập từ Liên Xô cũ. Họ phong nghệ sỹ Công Huân, nghệ sỹ Nhân dân, giải Xtalin, giải Lê Nin về văn học nghệ thuật ( ví dụ Giao Hưởng số 11 của Shotstakovich được giải Xtalin năm 1953 vv…).

Sau khi Liên Xô tan vỡ, họ đã bỏ thói quen đã có từ hàng chục năm này. Rất nhiều cách tổ chức dập theo kiểu Liên Xô cũ như: nền kinh tế có kế hoạch, hành chính bao cấp, phân phối theo tem phiếu v.v… ta đã bỏ. Nhưng không hiểu vì sao cái thói quen trao những danh hiệu và giải thưởng văn học nghệ thuật học từ họ thì ta lại vẫn duy trì, bởi nó là một phần đồng bộ trong tư duy cấu thành chế độ bao cấp, cơ chế xin cho?

Lịch sử dân tộc ta đã chứng minh bằng máu và nước mắt một quy luật là: những chính sách dập khuôn theo ngoại bang sớm muộn rồi cũng gây những hậu quả xấu, thậm chí là những thảm hoạ dân tộc.
Về việc phong danh hiệu nghệ sỹ, hãy để chính những nghệ sỹ, bằng tài năng, họ làm nên tên tuổi riêng của mình (như Ashkenazy) thì nó mới có giá trị thực, bền lâu và duy nhất. Không ai có thể ghen tỵ với ai được, vì không ai giống ai. Hàng ngàn nghệ sỹ tài năng, thì sẽ có hàng ngàn cái tên khác nhau, có giá trị khác nhau, giống như vườn hoa với muôn hoa, muôn màu khoe sắc, chứ không phải chỉ có 2 loại hoa ưu tú và nhân dân.

Mà muốn được hưởng các danh hiệu này, phải làm đơn xin, cùng sự “vận động” để được phong (ban) tặng từ trên xuống. Trong hoàn cảnh đất nước ta tệ nạn xã hội tràn lan. Khó có thể tránh khỏi nhiều sự tiêu cực trong sự ban tặng danh hiệu, nếu vẫn giữ kiểu cơ chế ban phát như cũ.
Về việc trao giải thưởng Nhà nước và giải thưởng Hồ Chí Minh về VHNT, đây cũng là một kiểu cơ chế xin cho với những thành phần Ban giám khảo hoàn toàn được chỉ định từ trên, với những tiêu chí chấm giải tuỳ hứng. Người xin trao giải cũng phải làm đơn và “vận động”.

Riêng trong ngành nhạc đã xảy ra những câu chuyện cười ra nước mắt xung quanh việc trao giải thưởng này. Điển hình là trong đợt đua tranh phong tặng năm 2006 (đây nên là đợt phong tặng cuối cùng) cả nước đều biết tới những chuyện “đồng nghiệp tương tàn” mà báo chí gọi là “cơn địa chấn trong làng nhạc”. Nếu ta lại cứ tiếp tục trao giải thì không ai có thể khẳng định rằng những cơn “địa chấn” sẽ không trở thành “động đất”!
Nói tóm lại: Nhà nước ta nên bỏ lối tư duy kiểu dập theo Liên Xô cũ này!
6. Kết
Hãy để cho mọi người đánh giá tài năng và giá trị con người qua công việc. Dù anh có độn vào trước cái tên của anh hàng trăm danh vị đi nữa mà sản phẩm anh làm ra cho xã hội không có, hoặc tồi, hoặc có hại, thì khác nào gỗ mục được sơn son thếp vàng?

Một xã hội lành mạnh và có tương lai, là một xã hội biết tôn trọng những tài năng và những giá trị thực, bất kể họ có hay không có bằng cấp danh vị cao, tiền của nhiều, chức tước lớn.
Đối với người làm nghề nhạc chuyên nghiệp, thì đó là tiếng đàn, tiếng hát của người biểu diễn và tác phẩm của người sáng tác. Anh hãy tự hào về điều đó, và hãy gắn nó với cái tên cha sinh mẹ đẻ, chứ không phải là những thứ bằng cấp, danh hiệu (mà ở nước ta hiện nay của rởm nhiều hơn thật) và chức vụ quản lý anh đang có, đó chỉ là những thứ son phấn nhất thời.

Bảng giá trị tưởng như là chân lý đơn giản và hiển nhiên này lại đang bị lật ngược. Nguyên nhân chủ yếu là do bệnh thành tích, cơ hội, trọng bằng cấp, trọng chức quyền. Nó đang làm tê liệt trí tuệ Việt Nam. Phải chăng nó là một trong ba loại giặc đang đe doạ sự tồn vong của dân tộc mà Hồ Chí Minh đã nói, đó là: diặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm? Với tiềm năng trí tuệ thế này, rồi dân tộc Việt Nam ta sẽ đi đến đâu? “Một dân tộc dốt, là một dân tộc yếu” (Hồ Chí Minh)
Là một người hoạt động trong nghề nhạc, tôi thấy cần phải viết bài này chỉ vì trách nhiệm công dân, với mong muốn nền học thuật nước nhà - nhất là âm nhạc - ngày càng trở nên lành mạnh và thực chất hơn. Tôi không nhằm vào bất cứ ai và cũng mong đừng ai giật mình bởi tôi luôn luôn kính trọng sâu sắc những giáo sư, tiến sỹ, thạc sỹ chân chính. Tuy không nhiều, nhưng họ có lương tri và trình độ chuyên môn thực sự. Tôi chắc rằng những người này sẽ ủng hộ những ý kiến trên của tôi.
Vì chúng ta đã nói dối quá nhiều và quá lâu rồi, nên những lời nói tử tế bây giờ lại trở nên hài hước. Tuy vậy - dù chỉ nhỏ bé như con Dã Tràng - tôi vẫn muốn nói rằng: Đừng sợ thay đổi vì chỉ nghĩ tới quyền lợi của bản thân, hãy nghĩ tới một tương lai tốt hơn cho tất cả. Đừng sợ ánh sáng, sợ thuốc đắng và sự thật.
Để kết bài viết này tôi xin mượn một câu Kiều của : [Giáo sư, tiến sỹ] Nguyễn Du (xin tạ tội với bậc tiền nhân vì sự xúc phạm này) :
“Mượn màu son phấn đánh lừa con đen”

Chữ “Con đen” ở đây được hiểu là những người dân bình thường
• Đặng Hữu Phúc
Theo Tuanvietnam.net

Thứ Tư, 10 tháng 6, 2009

Câu chuyện về cái tên McTen

Đã rất nhiều người hỏi tôi về ý nghĩa của cái tên McTen, tại sao lại lấy tên đó. Tôi chỉ cười và trả lời thích thì lấy thôi, chẳng vì sao cả.
Thực sự thì câu chuyện về cái tên McTen nó gắn với tôi từ khi còn đang là sinh viên. Nó bắt đầu từ 1 lý do trời ơi đất hỡi. Lúc còn đang là SV, tôi có đi làm thêm tại 1 cái quán Internet. Thời đó, Internet là một cái gì đó mới mẻ, hấp dẫn và đầy ma lực đối với các bạn trẻ như tôi. Cái thời mà máy tính chưa có nhan nhản như bây giờ, còn Internet thì đắt đỏ và tốc độ chậm hơn một con rùa bò. Kết nối thì qua đường dial - up điện thoại và chưa từng nghe đến 2 từ Game online. Công việc chủ yếu của những nhân viên tại cửa hàng Internet như bọn tôi chỉ làm hướng dẫn khách hàng tạo email, đọc, gửi, nhận email và nhiều nhất là tạo nick để chat. Hầu hết khách hàng đến quán Internet dùng nhiều thời gian để chat: Lớn có, bé có, trai có, gái có, học sinh có, sinh viên có, nhân viên văn phòng có, cave cũng có, .. đủ cả. Từ những người đánh máy 10 ngón thành thạo cho đến những người chưa bao giờ sờ vào bàn phím đều cần nhờ đến bọn tôi hướng dẫn. Mà kể cũng lạ, trước khi làm ở đó thì bọn tôi cũng có biết Internet là cái gì đâu. Chiều tối hôm trước, ra quán Internet mày mò, biết 1 tý. Sáng hôm sau đã hướng dẫn mọi người như là một chuyên gia thành thạo lắm. Bản thân những người làm công việc như tôi cũng chỉ quanh đi quẩn lại là hướng dẫn người khác và chat suốt ngày (Với đủ loại nick chat khác nhau).
Thế rồi một hôm, chat nhiều chán quá, ngồi nghĩ vẩn vơ và mong muốn có một cái nick sẽ dùng mãi mãi về sau này. Thế là cái nick Minhnc10 ra đời từ đó. Tại sao lại là minhnc10? Đơn giản là vì nick minh hay minhnc đã có chủ rồi. Minhnc10 đơn giản là Minh Nguyen Cong + 10 (Khóa học T10 mà chúng tôi đang theo học tại trường Thăng Long). Minhnc10 thì có gì liên quan đến McTen không? Chắc là mọi người đã nhận ra McTen thực chất chỉ là cách viết gọn của Minhnc kết hợp với chữ số 10. Đơn giản vậy thôi mà khiến nhiều người thắc mắc. Nhưng thực sự thì cái tên McTen được tôi sử dụng nhiều hơn kể từ ngày lập gia đình, và từ đó, cái tên McTen có trọng trách phải mang thêm một ý nghĩa quan trọng hơn nhiều, đó là sự gắn kết của 2 vợ chồng nhà "A Phủ" (Như anh em trong cơ quan vẫn trêu). Từ đó, cái tên McTen được đặt cho cái quán bé xíu của 2 vợ chồng với một nhiệm vụ vô cùng ngây thơ là McTen sẽ là nơi để bạn bè, đồng nghiệp của 2 vợ chồng tụ tập, tán phét và xả hơi. Với tôi, McTen hoạt động không nhằm mục đích kiếm tiền mà chỉ là để tôi được làm những gì mình thích. Tôi rất mong muốn anh em bạn bè đến uống và dùng thử thường xuyên (Tất nhiên là miễn phí rồi). Cũng chính vì cái quán McTen đó mà một người không biết nấu nướng hay chế biến bất cứ thứ gì như tôi lại có thể pha chế được một số món nước uống và hoa quả thật là tuyệt. Nhưng cũng chính vì mục đích không rõ ràng của cái quán McTen đó mà tôi đã phải từ bỏ nó, cho dù rất tiếc nhưng vẫn phải đóng cửa nó. Một ngày nào đó, bạn đừng thấy bất ngờ khi cái tên McTen xuất hiện trở lại.